Chuyên gia: 'Mất ổn định vĩ mô là mất tất, không đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng'

LẠM PHÁT Việt nAM
16:55 - 16/09/2022
Chuyên gia: 'Mất ổn định vĩ mô là mất tất, không đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng'
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia tại một cuộc hội thảo sáng 16/9, ứng xử với lạm phát, thời gian qua Việt Nam đã làm rất tốt song áp lực lạm phát đối với nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, không bao giờ đặt ra vấn đề đánh đổi bất ổn vĩ mô để tăng trưởng.

Áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao

Trình bày báo cáo tại Tọa đàm "Áp lực lạm phát năm 2022 và các đề xuất chính sách" do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp cùng Viện Konrad Adenauer Stiftung - CHLB Đức tổ chức ngày 16/9, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu.

Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá tích cực. Xuất khẩu tăng trưởng khá cao mặc dù các nền kinh tế đối tác gặp nhiều khó khăn. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, rủi ro suy giảm kinh tế và áp lực lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu.

Nền kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý III/2022, thị trường hàng hóa bị giảm dần dưới tác động của lạm phát tăng cao và các điều kiện tài chính thắt chặt.

Trong khi đó, các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của căng thẳng Ukraine và lạm phát giá nhập khẩu năng lượng. Suy thoái kinh tế của Trung Quốc đáng kể hơn dự kiến do những tác động tiêu cực do sự lan rộng biến chủng Covid-19 cùng với việc duy trì các hạn chế, cộng thêm khủng hoảng thị trường bất động sản ngày càng sâu sắc, tiêu dùng nội địa và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Quốc Việt, giai đoạn 2022-2023, triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống từ 1,7%-3,7% vào năm 2022 và 1,8-4,0% vào năm 2023.

Lạm phát ở các quốc gia phát triển đang đạt đến mức chưa từng thấy từ những năm 1980. Lạm phát toàn cầu dự kiến tăng từ 7,2-9,4% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,0-6,5% vào năm 2023, TS Nguyễn Quốc Việt thông tin.

Chuyên gia: 'Mất ổn định vĩ mô là mất tất, không đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng' ảnh 1

Áp lực lạm phát trong nước hiện hữu trong bối cảnh tăng giá xăng dầu và nguyên, nhiên vật liệu đầu vào. Song, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình lạm phát, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,67% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức bình quân 8 tháng của các năm 2018-2020. Mục tiêu kiểm soát trong khoảng 4% năm nay là hoàn toàn khả thi.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR

Trong khuôn khổ tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Việt gợi mở câu hỏi, liệu Việt Nam có nên đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng?

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không đánh đổi lạm phát

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế và lạm phát là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, nhạy cảm, phản ánh sự thịnh vượng của một quốc gia. Về mặt lý thuyết, sự đánh đổi chỉ tiêu này lấy chỉ tiêu kia là rất rõ ràng. Song, trong thực tế, các nhà hoạch định chính sách luôn muốn tìm điểm tối ưu, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Điển hình như Mỹ, quốc gia này đang nỗ lực từng ngày để đưa lạm phát về mức ổn định đồng thời vẫn giữ cho kinh tế không rơi vào suy thoái.

Mặt khác, không thể hy sinh lạm phát lấy tăng trưởng, lạm phát hoàn toàn có thể làm đình đốn, chặt đứt đà khả năng tăng trưởng của một quốc gia, TS Lực nhìn nhận. Đáng mừng, Việt Nam đang ngược lại với các nước trên thế giới, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng cao.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh khẳng định, Việt Nam luôn đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.

Chuyên gia: 'Mất ổn định vĩ mô là mất tất, không đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng' ảnh 2

Cái giá phải trả cho mất ổn định vĩ mô suốt giai đoạn 2006 - 2011 là quá lớn. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất tất. Do đó, không bao giờ đặt ra vấn đề đánh đổi bất ổn vĩ mô để tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.

Huống chi, lạm phát vẫn luôn là vấn đề nóng đối với Việt Nam, theo TS Ánh, áp lực lạm phát dự báo có thể sẽ giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện nhưng câu hỏi là "Vấn đề là năm sau sẽ như thế nào?".

Áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn

Theo các chuyên gia tại hội thảo, áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn, một số nước đang ở đỉnh hoặc đã qua đỉnh lạm phát. Lấy ví dụ về Mỹ, số liệu lạm phát vừa công bố tháng 8 của Mỹ tuy vẫn cao hơn kỳ vọng nhưng nhìn chung đã giảm từ mức 9,1% (tháng 6) xuống 8,5% (tháng 7) và 8,3% (tháng 8). Tương tự, số liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố sau đó cũng cho thấy thêm tín hiệu hạ nhiệt của giá cả, khi mà chỉ số PPI giảm từ 11,3% (tháng 6) xuống 8,7% (tháng 8).

Trong khi đó, ông Lực tin rằng lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh, do còn độ trễ. Một phần nguyên nhân là do việc tính rổ CPI của Việt Nam có sự khác biệt so với nhiều nước. Cùng với đó, Chính phủ đã thực hiện bình ổn giá xăng, dầu; bình ổn giá lương thực, thực phẩm; và giá nhà ở - những nhóm mặt hàng đóng góp tới 80-90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.

Song năm 2023 sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn với áp lực lạm phát có thể tăng cao hơn, tới mức 4 - 4,5%, TS Cấn Văn Lực nhận định.

Theo đó, chuyên gia cho rằng, thời gian tới, vẫn cần đặt lạm phát là một trong những mối quan tâm hàng đầu, cần phải xác định chính xác lạm phát do yếu tố chi phí đẩy, cầu kéo hay do cả hai yếu tố này để đưa ra cách ứng xử phù hợp.

Đồng quan điểm, chia sẻ tại tạo đàm, theo TS. Trần Toàn Thắng, cần nhìn nhận rõ đâu là yếu tố cốt lõi tác động đến lạm phát.

Chuyên gia: 'Mất ổn định vĩ mô là mất tất, không đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng' ảnh 3

Ứng xử với lạm phát, thời gian qua đã làm rất tốt, nhưng Việt Nam có lẽ đã bỏ lỡ cơ hội để có thể có sức ép lạm phát thấp hơn nữa nếu chúng ta điều chỉnh giá xăng ở thời điểm phù hợp.

TS. Trần Toàn Thắng.

Lý giải rõ hơn, theo ông Thắng, tại thời điểm giá xăng lên đỉnh 33.000 đồng/lít, chúng ta không có cách nào điều chỉnh giá xuống thấp ngay lập tức ngoài việc hứa hẹn sẽ giảm 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Trong khi, xăng dầu là mặt hàng quan trọng tác động mạnh đến mặt bằng giá cả chỉ trong thời gian rất ngắn, một khi giá hàng tiêu dùng cao rất khó để hạ xuống.

Do đó, thay vì chống chịu lạm phát ở giai đoạn sau, nếu đã xác định giá xăng là mặt hàng quan trọng, biện pháp để điều chỉnh nó ngay ở giai đoạn đầu là cần thiết.

Đọc tiếp