Chuyên gia: Từ giờ đến cuối năm không thể coi thường giá dầu, điện, thực phẩm

LẠM PHÁT Việt nAM
10:14 - 16/07/2022
Chuyên gia: Từ giờ đến cuối năm không thể coi thường giá dầu, điện, thực phẩm
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, áp lực lạm phát những tháng cuối năm là không nhỏ. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các chỉ số nguyên liệu đầu vào, chỉ số giá sản xuất và chỉ số công nghiệp bởi đây là các chỉ số có dấu hiệu sẽ tăng trong thời gian tới. 

Ngày 15/7, hội thảo của Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) với chủ đề "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" được tổ chức trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao kỷ lục trên thế giới và trở thành một vấn đề nóng ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Cụ thể, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine càng đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao và thế giới có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, có một số nguyên nhân khiến lạm phát Việt Nam thấp hơn so với thế giới như giá xăng Việt Nam được hỗ trợ bình ổn, tăng thấp hơn so với thế giới; sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, y tế,...); NHNN điều hành linh hoạt các công cụ chính sách, phối hợp chính sách nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả khá nhịp nhàng; cung tiền vừa phải, vòng quay tiền tương đối chậm.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn. Giá hàng hoá thế giới còn tăng và còn có nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo. Theo đó, ông Lực dự đoán CPI năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,8 - 4,2% và có thể cao hơn nữa.

Cần quan tâm đến các chỉ số nguyên liệu đầu vào, giá sản xuất và chỉ số công nghiệp

Cũng chia sẻ tại hội thảo về vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê thông tin, trước những diễn biến của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn giữ các chỉ số tăng trưởng tương đối ổn định. Tuy tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng của tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021, đều là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 nhưng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng CPI vẫn được kiểm soát ở mức 2,44%.

So với các nước trong khu vực châu Á, CPI tháng 6/2022 của Việt Nam tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức lạm phát 7,7% của Thái Lan, mức 6,1% của Philippines, mức 6,0% của Hàn Quốc; cao hơn mức lạm phát 2,8% của Malaysia, mức 2,5% của Nhật Bản và 2,5% của Trung Quốc.

Song, cũng theo ông Lâm, mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, nhưng dư địa không còn nhiều, bên cạnh đó áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

Đặc biệt, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê nhấn mạnh, câu chuyện lạm phát ở Việt Nam rất đặc thù khi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu trong khi câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng chưa xử lý được.

Theo đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế ở mức cao.

"Chỉ số nguyên liệu đầu vào dùng cho sản xuất trong 6 tháng đầu năm tăng 6,04%, tăng cao nhất 10 năm qua. Đây là vấn đề đáng lo ngại, trong khi hiện tại, nhắc tới lạm phát chúng ta đang chỉ quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng là chứ chưa quan tâm đến chỉ số giá đầu vào và chỉ số giá sản xuất.", ông Lâm nhìn nhận.

Nhìn từ số liệu công bố tháng 6 vừa qua của tổng cục thống kê, giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng tương đối cao. Nếu xét theo mục đích sử dụng thì sử dụng cho sản xuất nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng cao nhất (10,01%), sử dụng cho xây dựng (9,32%), sử dụng cho sản xuất công nghiệp (5,78%). Nếu xét theo ngành sản phẩm, thì sản phẩm công nghiệp tăng cao nhất (6,43%), tiếp đến là dịch vụ xây dựng chuyên dụng (5,96%), sản phẩm nông, lâm nghiệp – thủy sản (5,88%)

Bên cạnh đó, giá vận tải, kho bãi tăng cao thứ hai sau tốc độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất (5,86% so với 6,04%). Trong đó, giá dịch vụ vận tải hàng không tăng cao nhất (18,32%), giá dịch vụ vận tải đường thủy tăng cao thứ hai (12,91%), chủ yếu do dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương (14,28%) do ngành này liên quan đến giá dầu rẻ hơn xăng, tăng thấp hơn giá xăng.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, chỉ số này hiện vẫn đang thấp so với thực tế do doanh nghiệp đang tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận. Theo đó, thực tế giá đầu ra chưa phản ánh đúng giá nguyên vật liệu đầu vào.

Ảnh tác giả

Trong thời gian tới cần quan tâm đến các chỉ số nguyên liệu đầu vào, chỉ số giá sản xuất và chỉ số công nghiệp bởi đây là các chỉ số có dấu hiệu sẽ tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, không thể coi thường giá điện, giá dầu, giá thực phẩm.

TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê

Cụ thể,về giá lương thực thực phẩm, theo ông Lâm, bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, giá thịt lợn đang có xu hướng tăng trở lại, cụ thể tháng 6/2022 đã tăng 0,87% so với tháng trước do chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển tăng. Mặt hàng thịt lợn chiếm tỷ trọng 3,39% nên có tác động khá lớn tới lạm phát.

Về xăng dầu, đây là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế.

Do được sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. "Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.", ông Lâm nhận định.

Trong khi đó, về giá điện. Đây là mặt hàng thiết yếu trong tiêu dùng của hộ dân cư nên biến động về giá điện có tác động không nhỏ tới lạm phát với tỷ trọng trong giỏ hàng hóa là 3,31%, trong khi ở Mỹ tỷ trọng này là 2,5%.

Ông Lâm cũng thông tin, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, giá điện sinh hoạt tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước đã tác động trực tiếp làm tăng CPI 0,16 điểm phần trăm, ngược xu hướng cùng kỳ năm 2021 biến động giá điện sinh hoạt làm CPI giảm 0,1 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, các hoạt động đang trở lại trạng thái trước khi đại dịch diễn ra khiến nhu cầu tiêu dùng điện cũng tăng cao.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan, dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất cũng như trong tiêu dùng thời gian tới sẽ tiếp tục lên cao, đặc biệt thời tiết nắng nóng trong các tháng hè, nhu cầu sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm sẽ đẩy chỉ số giá điện sinh hoạt tăng, tạo áp lực khá lớn cho lạm phát.

Do đó, theo Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giảm áp lực lạm phát.

Đáng chú ý, cần đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.