Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu tại Nghị trường sáng 23/5, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng pháp luật còn lớn.
Năm 2023, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn dự án đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, theo phụ lục 3 kèm theo Tờ trình số 476 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì có 6/28 dự án, dự thảo đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023 và năm 2024 nhưng không có trong Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế, nhưng mặt khác thể hiện tính dự báo chưa cao.
Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn, đồng thời có giải pháp quyết liệt để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81 vào chương trình năm 2024 vào năm 2025.
Nhìn lại hoạt động lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đánh giá cao hai kết quả đạt được.
Một là có được Đề án trình Bộ Chính trị định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, thể hiện tư duy chiến lược dài hơi, song hành với nghị quyết của Đảng trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Hai là có phương thức lập pháp thích ứng với sự biến đổi của kinh tế xã hội. Đó là ban hành các nghị quyết 30, 35 của Quốc hội, trao Chính phủ những quyền năng động hơn để đối phó với đại dịch. Đây là những quyết định chưa có tiền lệ trong hoạt động lập pháp.
Tuy nhiên theo đại biểu Lê Thanh Vân, hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định. Đáng nói là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Việc thay đổi thường xuyên với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm thể hiện sự thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa. Như người lái ô tô thỉnh thoảng lại phải dừng để sửa, vậy làm sao có thể đi thông suốt?
Ảnh: Quochoi
Theo đại biểu, việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Đó là sự chín muồi trong các kiến nghị lập pháp cần được bảo đảm hơn, để tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Hạn chế thứ hai mà đại biểu nêu ra là là chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đạo luật là quy tắc xử sự chung nhất để áp dụng cho toàn xã hội, chứa đựng các quy định, chế tài cụ thể để điều chỉnh từng hành vi. Còn việc chứa đựng quy phạm chính trị tức là chứa đựng những định hướng, những nội dung hàm súc, chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người. Hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn.
Hạn chế đáng nói khác cần được khắc phục mà đại biểu chỉ ra là kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, cần xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là không để quá trình xây dựng chương trình luật pháp lệnh có cài cắm lợi ích.
Để khắc phục những hạn chế trên, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị phải sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa, bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng mỗi khóa để hoạch định chính sách lập pháp, xác định thứ tự ưu tiên hàng năm, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.
Đại biểu cũng nhấn mạnh phải khắc phục tình trạng luật khung luật ống, nên đổi mới thành phần ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học tham gia, nhiều nhà chuyên môn và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật tham gia từ đầu, thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội.
Về kỷ cương lập pháp, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật.
Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết về xây dựng chương trình luật pháp lệnh phải thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư. Đó là xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cũng băn khoăn về yếu tố dự báo khi việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn nhiều so với chương trình chính thức, số lượng có lúc còn cao hơn.
Theo đại biểu, câu chuyện làm luật vẫn còn tồn tại thực tế là tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại phải sửa đổi, bổ sung. Đại biểu yêu cầu phải có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ.