Mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải thay đổi
Chia sẻ tại Tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" chiều 28/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Trần Quốc Phương cho biết, có thể gói gọn về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới những tháng đầu năm 2023 bằng từ khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Theo Thứ trưởng, nền kinh tế Việt Nam có quy mô còn khiêm tốn trong khi độ mở lớn (gần 2 lần so với GDP), do đó sự tác động của ngoại cảnh đối với kinh tế Việt Nam rất lớn. Những cuộc xung đột chính trị, tài chính - tiền tệ… đã làm chậm đi quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái.
Một số nhân tố trên thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô của các nước, trong đó yếu tố lạm phát là yếu tố lớn, xuất phát từ Mỹ, châu Âu, tác động lan toả trên toàn cầu.
Nhiều nước phải bung ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khoá, tiền tệ. Fed liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, các ngân hàng Trung ương của châu Âu và các nền kinh tế lớn đều có động thái tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp nêu trên khiến Việt Nam phải đối mặt với giảm sút về tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù vậy, kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.
Qua nhận xét của các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô, điều quan trọng nhất mà Việt Nam đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý. Đơn cử như vấn đề tỷ giá, lãi suất, Việt Nam có điều chỉnh nhưng ở biên độ phù hợp, không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cũng nhận xét tại cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức rằng, thế giới kỳ vọng vượt qua đại dịch nhưng không ngờ lại ngấm sâu vào sức khỏe nền kinh tế. Có những cái không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết, cùng với đó bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine khiến tình hình quốc tế bất ổn, lạm phát lên cao, lãi suất cũng bị đẩy lên cao chưa từng thấy.
Với bối cảnh đó, cần phải thông cảm với Chính phủ, các địa phương, các doanh nghiệp đang phải vật lộn quyết liệt. Nhưng đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt. Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm nước ta đã cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước.
Nhìn nhận vào những thách thức, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, khó khăn rõ ràng đã tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp.
Ông nhấn mạnh, tuy nhiên không phải do điều hành của Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay.
"Ví dụ xuất khẩu tôm, thủy sản giảm, cạnh tranh quốc tế tăng. Tôi đi các nước giảng bài hay nói về kinh nghiệm của Việt Nam đầu tiên. Bangladesh, Ấn Độ xuất khẩu 7 tỷ USD, muốn lên 15 tỷ USD nên họ nắm bắt rất nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Còn ta vẫn chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, chưa có đột phá cơ bản. Đây là điều ta phải chú ý, đến lúc phải nhìn nhận lại căn bản về nâng cao mô hình tăng trưởng thời gian tới", ông Khương nhận định.
Đánh giá về nỗ lực, các biện pháp ứng phó của Việt Nam để ổn định kinh tế vĩ mô, ông Khương nhận xét, ứng đáp của Việt Nam rất nhạy bén và đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp các nhà đầu tư quốc tế yên tâm.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương VND là đồng tiền tốt nhất, các đồng tiền khác đều mất giá. "Tất nhiên ổn định đồng tiền có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng mừng là các thặng dư vãng lai tốt, thu hút FDI tốt, hoạt động xuất khẩu khá tốt... Về vĩ mô là tốt, thúc đẩy đầu tư công, các công trình cao tốc, dự án đã được Chính phủ triển khai quyết liệt, khi khó khăn là tháo gỡ ngay".
Về bức tranh tổng thể nền kinh tế, ông Khương cho rằng hệ sinh thái ứng đáp với thách thức vượt ngoài khả năng bộ, ngành cụ thể hay Chính phủ, mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị, bao gồm cả các doanh nghiệp cùng bàn thảo để giải quyết bài toán lớn. Phải có hội đồng định hình chiến lược thời gian tới, quy rõ trách nhiệm, phối thuộc chặt chẽ, để tạo đà vượt lên, tạo lòng tin cho xã hội.
"Nhiều vấn đề phải bàn nhưng những gì Việt Nam đang làm đều đáng trân trọng và đang đi đúng hướng", ông Khương nhấn mạnh.
Hài hoà giữa các chính sách để kiểm soát lạm phát
Đánh giá về tình hình lạm phát tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chỉ ra thực tiễn hiện nay, xã hội rất quan tâm đến vấn đề lạm phát. Người dân cũng đã hiểu được rằng lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm của gia đình họ, đánh thẳng vào túi tiền của họ.
Do vậy, họ rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát, vì một khi lạm phát gia tăng, câu chuyện cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát ngày càng được đặt ở vị trí trọng tâm cao hơn.
Thực tế, kết quả kiểm soát lạm phát của chúng ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong chính sách điều hành kiểm soát giá,… Tuy nhiên, vẫn có dư luận cho rằng với kết quả làm tốt như vậy thì liệu có phải do câu chuyện số liệu của chúng ta hay không?
Với góc độ chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan Tổng cục Thống kê là cơ quan tổng hợp và công bố số liệu về lạm phát, chúng tôi xin khẳng định một lần nữa số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam chúng ta là hoàn toàn đáng tin cậy và được quốc tế đánh giá.
Đóng góp ý kiến tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chỉ ra thêm một khía cạnh khác, đó là sự phối kết hợp trong các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
"Đứng từ góc độ Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội và cho Đảng về chính sách tài khóa, tôi đánh giá chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ để thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác. Chúng ta phải luôn ý thức trong phối hợp giữa các chính sách vĩ mô khác nhau, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, để đạt được điều đó đại diện Bộ Tài chính cho rằng hai chính sách này cần gắn kết với nhau. Nếu chúng ta làm cho tài khóa thâm hụt, Nhà nước phải tiếp tục ra thị trường vay mượn nhiều hơn thì lãi suất có thể tăng lên.
Lãi suất tăng thì lãi suất trái phiếu Chính phủ phải tăng, sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống lãi suất, vì lãi suất chính phủ là lãi suất nền. Cho nên dựa trên kinh nghiệm và kết quả thời gian vừa qua, cần hết sức lưu ý hài hòa các chính sách. Khi hài hòa được các chính sách thì Việt Nam sẽ đạt được các kết quả mong muốn, trong đó có việc kiểm soát lạm phát.