Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. |
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chiều 6/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) cho biết, Quốc hội yêu cầu có cơ chế chính sách giải quyết ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm ở đây chưa được giải quyết triệt để.
"Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành hoặc tham mưu ban hành giải quyết ô nhiễm môi trường tại Bắc Hưng Hải như thế nào?", ông Tuấn Anh chất vấn.
Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho biết, nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến cuộc sống của cử tri và nhân dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn và các giải pháp đã đưa ra. Vì sao nhiều năm qua tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết? Và có những giải pháp nào để trong thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, từ hệ thống thủy nông, đến nay hệ thống này phải gánh thêm nhiệm vụ xả thải một phần cho Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Mỗi ngày, hệ thống phải tiếp nhận 450.000 - 500.000 m3 xả thải, khu vực cống ở hai quận Gia Lâm và Long Biên phải xả thải 260.000 m3. Đó là chất thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị, khu dân cư. Hầu hết địa phương chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nên phải xả ra Bắc Hưng Hải.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Hà Nội đang cố gắng xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa xong. Bộ TN&MT và Bộ Công an đã điều tra, xử phạt nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định. Bộ TN&MT cũng tiếp tục tăng cường công tác quan trắc hệ thống thủy lợi và làm việc với các địa phương, dùng các nguồn lực tiếp tục cố gắng xử lý nước thải đô thị và nông thôn vào hệ thống này.
Bộ trưởng Khánh cho biết, hiện nay một số địa phương như Hưng Yên đã có những giải pháp xử lý, thu gom xử lý nước thải tại các khu dân cư. Tuy nhiên để đảm bảo hệ thống nước thải đô thị và nông thôn được xử lý, sẽ cần rất nhiều nguồn lực, chưa kể cần có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý và vận hành nhà máy.
Với hệ thống sông bắc Hưng Hải, cũng như ô nhiễm dòng sông Cầu - vấn đề được đại biểu Đỗ Thị Việt Hà chất vấn, Bộ TN&MT đã làm việc và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các cấp có thẩm quyền cần có một chương trình mục tiêu quốc gia xử lý các dòng sông chết, xử lý ô nhiễm các dòng sông và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải, rác thải và gắn trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp tham gia xả thải.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn Bắc Giang. |
Chưa thoả mãn với câu hỏi của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho biết, với 2 công văn gần đây nhất (Công văn số 128 ngày 7/1/2022 và Công văn số 1580 ngày 14/3/2023), Bộ trưởng đã đưa ra rất nhiều giải pháp tuy nhiên cử tri và nhân dân tỉnh Bắc Giang quan tâm đến tình hình thực hiện các giải pháp đưa ra như thế nào? Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh, cử tri và nhân dân mong muốn Bộ trưởng trả lời vì sao hiện nay tình trạng này chưa được giải quyết và liệu có giải quyết được hay không?
Tiếp tục phản hồi đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, ô nhiễm của sông Cầu có nguyên nhân từ nguồn ô nhiễm từ sông Ngũ Uyển Khê, một ngày xả thải khoảng 15.000m3 chưa được xử lý từ các cụm công nghiệp. Thời gian qua, Bộ TN&MT đã thành lập tổ giám sát bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động của Làng giấy Phong Khê, trong đó lựa chọn 22 cơ sở giám sát trực tiếp. Bộ đã đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bắc Giang chỉ đạo các Sở để xử lý dứt điểm liên quan đến làng nghề này.
Giải pháp trong thời gian tới, Bộ TN&MT đề xuất giải pháp là tập trung rà soát xây dựng khu xử lý nước thải cho các khu Phong Khê 1-2, khu Phú Lâm… Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm vấn đề này, giám sát xử lý nước thải ở đây. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm.
Nên khôi phục các chương trình mục tiêu nhỏ
Nêu thêm ý kiến về việc xử lý ô nhiễm môi trường và các lưu vực sông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước đây Chính phủ đã có nhiều chương trình mục tiêu, trong đó có chương trình mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ông có Thủ tướng trong giờ giải lao về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát lại để khôi phục các chương trình mục tiêu nào, với phạm vi nhỏ hẹp hơn, mục tiêu cụ thể hơn.
“Như Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề xuất nâng vấn đề này thành chương trình mục tiêu quốc gia thì không khả thi, mà nên khôi phục lại các chương trình mục tiêu, trong văn hóa cũng có, du lịch cũng có, môi trường cũng có... Tôi nhớ là có khoảng 14 chương trình mục tiêu như thế này nhưng không biết vì lý do chủ quan hay khách quan như thế nào mà hiện nay gần như đều đã dừng”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.