TS Vũ Minh Khương chia sẻ tại tọa đàm. |
Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” do CTTĐT Chính phủ tổ chức chiều 5/10, TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore nhận định, tình hình kinh tế toàn cầu năm nay rất khó khăn, đặc biệt với các nước xuất khẩu nhiều và xuất khẩu nhóm hàng công nghệ, điện tử như Việt Nam. Tuy nhiên năm nay cũng là năm rất tốt để doanh nghiệp cảm nhận được sự sống còn.
“Tôi thấy hơi thở của doanh nghiệp bây giờ sâu sắc hơn rất nhiều, không còn ‘đánh giậm’ mở rộng cơ hội nữa mà phải làm thế nào để ‘cất cánh’ lên. Rõ ràng, đây là lần đầu tiên họ có suy nghĩ sâu sắc về chiến lược phát triển lâu dài. Đây là điều mừng cho các địa phương và các doanh nghiệp”, TS Vũ Minh Khương đánh giá.
Theo ông Khương, Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của những phát triển đột phá trong thời gian tới, với nỗ lực lớn về cải cách thể chế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Sự quyết liệt của Chính phủ thời gian qua đã giúp tăng niềm tin cho cả hệ thống kinh tế, từ người tiêu dùng đến nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vấn đề là làm sao tạo được niềm tin mạnh mẽ hơn nữa, làm sao để các doanh nghiệp biến khó khăn hiện tại trở thành chiến lược mang tính đột phá.
“Tôi muốn nhấn mạnh việc xuất khẩu có tỷ trọng giá trị gia tăng thấp trong bối cảnh thị trường thu hẹp, nhưng việc nâng cấp chất lượng sản phẩm cần hơn. Ví dụ như ít tôm hơn nhưng giá cao hơn… Đấy là chiến lược phải rất coi trọng. Trong đó, vai trò yểm trợ của Chính phủ rất cần được chú ý, như đầu tư vào khoa học công nghệ thế nào, đào tạo người lao động có tay nghề ra sao, thậm chí có ưu đãi để giảm giá thành cho họ để họ đầu tư mạnh vào máy móc thiết bị…”, TS Khương nói.
Nhấn mạnh 3 trụ cột giúp giúp doanh nghiệp tốt hơn, TS Vũ Minh Khương cho biết, đầu tiên là nâng cao năng lực quản trị. Thứ hai là chuyển đổi số phải mạnh mẽ hơn nữa. Thứ ba là chuyển đổi xanh. “Đây là những mũi nhọn mà các doanh nghiệp đều phải có chiến lược để nâng cấp vượt bậc trong thời gian tới”, vị chuyên gia nêu ý kiến.
Các khách mời tham dự tọa đàm. |
Đồng tình với TS Khương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng cho rằng, các doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược, phát triển mang tính dài hơi, bền vững cho sự nghiệp của mình.
Theo ông Phương, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện với 2 vấn đề lớn. Một là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra. Họ sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu. Nếu không quan tâm đến vấn đề đó thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt.
“Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này và Nhà nước cũng rất muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp. Quan trọng là các doanh nghiệp phải thể hiện nhu cầu để Nhà nước có thể hỗ trợ”, ông Phương nói.
Thứ hai là doanh nghiệp cần nghĩ tới các mô hình mới, khi mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thứ trưởng cho biết, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra những cơ hội mới, lĩnh vực, ngành nghề mới cho nền kinh tế, đáng chú ý là sản xuất bán dẫn.
“Một ngành khoa học vừa là nghiên cứu vừa là phát triển, sản xuất, rất toàn diện, là cơ hội rất lớn cho chúng ta, thu hút các doanh nghiệp lớn đến Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.