TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV |
Tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới quý 1/2024 với chủ đề "Nhận diện kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm 2024" ngày 22/4, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV nhận định kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng dần, thể hiện qua tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước trong năm 2023.
Theo đó, GDP quý 1/2024 tăng 5,66% là mức cao so với cùng kỳ những năm trước. Mức tăng khá đồng đều ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2011-2019.
Ông Lực chỉ ra rằng trong năm nay, đầu tư công dự báo vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi cả nước dự kiến đẩy mạnh giải ngân gần 700.000 tỷ đồng (bao gồm cả phần kết chuyển), tức tăng 12% so với 2023. Trong khi đó, số liệu về vốn FDI quý I/2024 cũng khá tích cực với vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ, vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Về chính sách tài khóa, dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2024 khoảng 3,4-3,8%, dù cao hơn mức 3,25% của năm 2023 nhưng vẫn dưới mục tiêu Quốc hội giao. Nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Do đó, rủi ro tài khóa chỉ ở mức trung bình và Việt Nam còn dư địa chính sách tài khóa cho những gói hỗ trợ mới.
Về chính sách tiền tệ, ông Lực cho rằng thị trường có thể yên tâm khi lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm, có thể tăng nhưng chỉ là cục bộ vài ngân hàng chứ không phải toàn thị trường do thanh khoản hệ thống dồi dào và các tổ chức tín dụng cũng mong kích cầu tín dụng.
Một số trợ lực khác cũng được TS Lực nhắc đến như việc hoàn thiện thể chế được thúc đẩy (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi…). Dự kiến khi các luật, chính sách bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới, thông thường thị trường sẽ đón trước các tín hiệu.
Cùng đó là cơ hội đến từ các cơ chế đặc thù cho một số tỉnh thành, các động lực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hội nhập quốc tế...
Cũng trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm trên, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định nhiều hơn về những điểm yếu cần lưu tâm và có giải pháp khắc phục.
Theo ông, GDP quý 1/2024 tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý 1/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, TS Cung cho rằng, đà tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của từng tháng trong quý 1/2024 lại chưa ổn định khi tháng 1 tăng 18,3%, tháng 2 giảm 6,8%, tháng 3 tăng 4,1%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 3/2024 dưới ngưỡng 50 điểm.
Một yếu tố nữa cần lưu tâm là tỷ lệ giữa doanh nghiệp gia nhập thị trường và doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong quý 1/2024 cũng ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, trung bình cứ bốn doanh nghiệp gia nhập thị trường thì chỉ có một doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến quý 1/2024, tỷ lệ này thay đổi rõ rệt khi cứ mỗi doanh nghiệp gia nhập thị trường thì sẽ có hai doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 36.244 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 1/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, có 73.978 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quý 1/2024, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở hầu hết các lĩnh vực là một biểu hiện cho thấy doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn đáng kể.
Mặt khác, lĩnh vực dịch vụ từ lâu đã được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quý 1/2024, tăng trưởng dịch vụ chỉ đạt 6,12%, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành đạt 8,2% và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá đạt 5,1%.
Những con số của lĩnh vực dịch vụ thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và đang có xu hướng đi xuống vì lạm phát có thể gia tăng trong khi thu nhập của người dân lại không tăng. TS Nguyễn Đình Cung cho rằng đây là một chỉ số cần được lưu tâm khi một động lực tăng trưởng đang có xu hướng bị xói mòn sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế.
Phân tích về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TS. Nguyễn Đình Cung nhìn vào quy mô vốn đầu tư của mỗi dự án FDI. Trong quý 1/2024, vốn đầu tư trung bình của mỗi dự án FDI tại Việt Nam đạt 7,41 triệu USD. Điều này gợi lên câu hỏi cần phải tăng cường tính hấp dẫn và hiệu quả của môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để có thể thu hút những "đại bàng lớn" đến làm tổ.
TS. Nguyễn Đình Cung
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ đã đề ra cho đến năm 2030, GDP của Việt Nam cần phải tăng trưởng bình quân 8% mỗi năm. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan để thúc đẩy cải cách kinh doanh, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Chính sách tài khóa làm chủ lực để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024, cần lấy chính sách tài khóa làm chủ lực, "mở rộng, có trọng tâm" do dư địa tài khóa còn đáng kể.
Trong đó, vị chuyên gia này đề xuất nên cân nhắc các giải pháp như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 và cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Theo TS. Lực, giảm lệ phí trước bạ ô tô có thể kích cầu rất tốt.
"Dù thu ngân sách giảm nhưng ngược lại bán được ô tô thì lại thu về thuế giá trị gia tăng và các loại phí khác, mức tăng đó còn cao hơn mức giảm. Ngoài ra, thúc đẩy và lành mạnh hóa tín dụng tiêu dùng cũng là giải pháp kích cầu," TS Lực nhận định.
Phối hợp với chính sách tài khóa, chuyên gia kiến nghị chính sách tiền tệ sẽ là nhóm "bổ trợ" thông qua việc điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá.
Cùng đó cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn phát triển nhà ở xã hội...
Cũng cần kết hợp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, năng suất lao động, tăng đóng góp TFP vào tăng trưởng. Nếu phát huy, khai thác tốt những động lực tăng trưởng mới này, GDP có thể tăng thêm từ 0,9 - 1,4 điểm phần trăm trước mắt trong bối cảnh toàn cầu đang suy giảm cũng như về lâu dài.