Người Việt vốn rất ưa chuộng vàng. Việc tích trữ vàng nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính, để sinh lời và cũng là để khi có việc cần đến có thể bán ngay được. Quan điểm những thứ tài sản có thể cầm nắm, định lượng được như vậy luôn được cho là tạo cảm giác an toàn.
Giá vàng tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây nhưng dường như vẫn không làm giảm sự nhiệt tình trong việc mua vàng của người dân. Đáng nói, người dân chuyển từ mua vàng miếng SJC sang mua vàng nhẫn trơn. Thậm chí, nhiều người bán vàng miếng SJC để mua được "nhiều hơn" vàng nhẫn.
Nguyên nhân vàng nhẫn bỗng "đắt hàng" bởi giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng. Giá vàng nhẫn lại sát với giá thế giới, khoảng cách chênh lệch giá mua - bán cũng ít hơn so với vàng SJC.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị T. Thủy (Q. Cầu Giấy), khách mua hàng tại Bảo Tín Minh Châu cũng chia sẻ rằng, theo chị, vàng miếng SJC cao hơn vàng quốc tế 18-20 triệu đồng/lượng, nếu giá thế giới biến động mạnh theo chiều giảm, chị sẽ phải chịu lỗ cái phần chênh lệch kia.
Cũng theo chị, vàng miếng đang đối mặt với biến động khi nhà điều hành điều chỉnh Nghị định liên quan đến thị trường vàng. "Mua vàng nhẫn ở thời điểm này vẫn an toàn hơn," chị Thủy nhìn nhận.
'Độc quyền vàng' đã hoàn thành sứ mệnh
Với câu chuyện Nghị định 24 mà những người theo dõi vàng đang quan tâm, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc chênh lệch quá cao giữa giá vàng miếng SJC với thế giới là do tình trạng độc quyền sản xuất từ khi Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng Nghị định 24 ra đời năm 2012 đến nay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.
Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng này độc quyền.
Nghị định 24 được cho là đã hoàn thành sứ mệnh chống vàng hoá nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô trong một thời gian dài. Thành công của Nghị định này là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sau hơn một thập niên, tình hình đã khác và có những quy định tại Nghị định 24 được đánh giá là không còn phù hợp. Giá vàng tăng mạnh, chênh lệch giá trong - ngoài nước lớn, thực trạng buôn lậu vàng về Việt Nam trở nên căng thẳng. Trong khi đó, khá nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng bạc phải thu hẹp hoạt động. Người tiêu dùng phải mua vàng với giá đắt.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì tối 20/3, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của NHNN tương đồng với đề xuất trước đó của nhiều chuyên gia kinh tế. TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phân tích, trước đây khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 có thể phù hợp khi tình trạng vàng hóa diễn ra đáng lo ngại. Nhưng đến nay tình hình kinh tế đã quá khác nên không thể tiếp tục duy trì quy định này.
Trở về câu chuyện từ đầu những năm 2000 đến trước năm 2012, có tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế là do Nhà nước cho phép các ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng. Từ đó vàng trở thành một phương tiện thanh toán phổ thông như người dân có thể mua xe, mua nhà và thanh toán bằng vàng.
Thế nhưng hiện nay, các ngân hàng không được phép thực hiện việc huy động và cho vay bằng vàng. Vì vậy vàng không còn là phương tiện thanh toán phổ thông nữa. Trong khi đó, từ khi Nghị định 24 ra đời đến nay, đồng nghĩa chỉ có NHNN là "độc quyền" sản xuất vàng miếng SJC.
Thực tế hơn 10 năm qua cũng chỉ có vàng miếng SJC mới ngày càng chênh lệch giá quá cao so với thế giới. Còn vàng nhẫn vẫn đi theo diễn biến của kim loại quý thế giới. Trong khi đó, cùng là vàng thì chất lượng là ngang nhau. Do đó cần thiết phải thay đổi việc này và không cần duy trì tình trạng độc quyền nói trên.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu vẫn duy trì Nghị định 24 với tình trạng "độc quyền" sản xuất vàng miếng SJC như hiện nay thì chênh lệch giá trong và ngoài nước càng lớn. Đồng thời, có thể gây ra tình trạng buôn lậu gia tăng, ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá ngoại tệ của nhà nước.
"Cần bỏ quy định hiện hành, trả lại thương hiệu SJC cho công ty này và cho phép các đơn vị kinh doanh vàng bạc khác tự do mua bán các loại vàng, từ vàng miếng đến vàng nhẫn, để cho thị trường cạnh tranh tự do và người dân thích mua thương hiệu vàng nào là tùy ý," TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất.
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. |
Trả vàng về thị trường tự do?
Thế nhưng, xóa bỏ độc quyền để vàng trở thành mặt hàng bình thường liệu lịch sử "vàng hóa" nền kinh tế có lặp lại? Chia sẻ với băn khoăn này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, định hướng này sẽ không lo tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế bởi hiện nay các ngân hàng vẫn không được phép huy động và cho vay bằng vàng. Vàng hiện tại trong nền kinh tế đã đóng vai trò khác, là phương tiện tích trữ, không phải là phương tiện thanh toán nên khó có tình trạng "tràn lan" trong lưu thông.
Tất nhiên, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng khi đó phải là các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp "đủ tiêu chuẩn" không phải doanh nghiệp nào tham gia cũng được.
"Đặc biệt, NHNN phải luôn giữ được vai trò cầm cân nảy mực, điều tiết thị trường. Dẫu sao, mấu chốt trong quản lý thị trường vàng là không để vàng ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô quan trọng, vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế," ông Nghĩa nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng sửa Nghị định 24 cần đi theo hướng, không thể để nhập khẩu vàng tự do mà cần có hạn mức nhập khẩu vàng. Vấn đề là hạn mức đó được quyết định dựa trên những yếu tố kinh tế vĩ mô, tránh tác động đến tỷ giá, lạm phát… ra sao?
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính |
"Không khuyến khích vàng hóa nền kinh tế, nhưng phải có các biện pháp để đáp ứng nhu cầu cất trữ của một bộ phận dân cư. Song, vẫn đảm bảo vai trò quản lý thống nhất của Nhà nước đối với thị trường vàng," ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông cũng đề xuất, trong bối cảnh tình hình thị trường hiện nay các các chuyên gia nhận định phương thức giao dịch vàng cũng cần đa dạng hơn. Qua đó giúp giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất và giảm sự luân chuyển dòng ngoại hối. Tuy nhiên, nếu cho giao dịch vàng qua tài khoản hay các chứng chỉ vàng các cơ quan nhà nước cần phải có sự cẩn trọng, quy định cụ thể. Để đảm bảo vai trò quản lý thống nhất của Nhà nước đối với thị trường vàng và quyền lợi người dân.
Về lâu dài, Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một giải pháp nhằm tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN.
Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt. Phương pháp này giúp huy động nguồn lực vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu |
"Việc Chính phủ xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia cũng là bước tiến quan trọng trong việc tạo dựng thị trường vàng minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp tại Việt Nam. Sàn vàng này sẽ cung cấp một nền tảng để những thông tin liên quan đến giá cả, giao dịch mua bán được công bố rộng rãi," TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.