Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định rằng chính sách tài khóa nới lỏng và xu hướng giảm của lãi suất trong nước đang là hai yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,1% trong nửa cuối năm 2023, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5%. Kỳ vọng kinh tế sẽ duy trì đà phục hồi trong năm tới, CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,9% trong năm 2024.
Theo VNDirect, các yếu tố hỗ trợ chính đến từ việc Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng.
VNDirect cho rằng Việt Nam có điều kiện tương đối thuận lợi để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.
"Hiện nay, nợ công thấp tạo dư địa cho nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, việc lợi suất trái phiếu Chính phủ của Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023 và lạm phát trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong vài tháng qua hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng trong nửa cuối năm 2023", VNDirect nhấn mạnh.
Một loạt các chỉ báo được đưa ra như xu hướng lãi suất cho vay giảm sẽ giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó là kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ hơn từ lượng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch từ Trung Quốc.
Các chuyên gia VNDirect nhìn nhận, các đơn hàng xuất khẩu nông sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh hơn từ quý 4/2023 trong bối cảnh hàng tồn kho tại các nước đã phát triển giảm.
Đặc biệt lưu tâm đến yếu tố xuất khẩu, các chuyên gia từ tổ chức này dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý 4/2023.
Theo nhóm phân tích, tổng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh đã là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến số lượng đơn đặt hàng mới cho hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn quý 4/2022 đến quý 2/2023. Tuy nhiên, tồn kho tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối quý 1/2023 và dự kiến sẽ giảm trong những quý tiếp theo.
"Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý 4/2023 do tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam", VNDirect nhận định.
Bên cạnh đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại cũng sẽ tác động tích cực đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, khối phân tích VNDirect lạc quan.
Kinh tế sẽ khởi sắc hơn từ quý IV và tăng tốc trong 2024
Cũng đưa ra nhận định tương tự, trong báo cáo vĩ mô mới nhất, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) trích dẫn khảo sát của Bloomberg cho biết, nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại vào quý 1/2024 và kinh tế EU bắt đầu phục hồi kể từ quý 3/2023, kinh tế Trung Quốc phục hồi từ quý 1/2024.
Do đó, MBKE cho rằng mặc dù các hoạt động thương mại sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong quý 3 nhưng sẽ bắt đầu khởi sắc vào quý 4/2023, nhờ mức so sánh thấp trong quý 4/2022, trước khi tăng tốc vào năm 2024 do sự phục hồi của các nền kinh tế toàn cầu.
Về dài hạn, theo chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán này, những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm chi phí nhân công thấp, chính trị ổn định, chi phí năng lượng thấp không thay đổi và Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
"Khác với cuối năm 2022, giờ đây chúng ta thấy quỹ đạo phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang dần hình thành sau nửa đầu năm 2023. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng dần trong nửa cuối năm 2023, trước khi tăng tốc vào năm 2024.
Dựa trên kết quả vĩ mô nửa đầu năm và tổng hợp quan điểm của các nhà kinh tế, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023 nhưng có thể chỉ đạt khoảng 5,7% cho cả năm trong trường hợp tốt nhất và tăng tốc lên khoảng 6,5%-7% vào năm 2024", khối phân tích dự báo.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2023.
Ở kịch bản thấp, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, tăng trưởng kinh tế quý 3 phải đạt 6,8%, quý 4 phải đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.
Với kịch bản tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.