Cổ phiếu bất động sản ‘tắt lửa’, LDG bị bán tháo sau thông tin dự án sai phạm

Đầu tư LDG VN INDEX
16:09 - 13/04/2023
Các nhóm ngành chủ chốt đồng loạt giảm điểm.
Các nhóm ngành chủ chốt đồng loạt giảm điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ, đồng pha với đa số thị trường châu Á. Cổ phiếu bất động sản "mất lửa", NVL gặp áp lực bán chốt lời trong khi LDG bị bán tháo.

Kết phiên 13/4, VN-Index tăng hơn 5 điểm lên mốc 1.064,3 điểm. HNX-Index cũng giảm 2,1 điểm trong khi UPCoM ngược dòng tăng 0,2 điểm. Dòng tiền giảm nhiệt với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 12.300 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn giao dịch ảm đạm với tổng giá trị mua bán hơn 1.300 tỷ đồng và duy trì bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên sàn HoSE. VND, HPG và STB là 3 mã bị bán mạnh nhất, với giá trị lần lượt 68 tỷ đồng, 59 tỷ đồng và 58 tỷ đồng. VNM, VCB, PVD, VCI cũng bị bán ròng 20-40 tỷ đồng.

Chiều mua ròng HDB tiếp tục dẫn đầu phiên thứ 2 liên tiếp, với giá trị 24 tỷ đồng; tiếp theo là KBC 19 tỷ đồng, KDH, VHM, TTF hơn 10 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản đảo chiều sau vài phiên hồi phục, VHM tác động tiêu cực nhất đến chỉ số khi giảm 2,1%. Còn NVL là mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 (-3,7%). Sau 2 phiên tăng mạnh nhờ hiệu ứng từ thông tin Phó Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng các dự án, cổ phiếu của Novaland đã bị chốt lời. Thanh khoản dẫn đầu thị trường với 32 triệu đơn vị được giao dịch.

Các mã bluechip giữ được sắc xanh rất ít, chỉ có ACB, BID, GAS, HDB, MWG, PLX, STB, TPB, trong đó tăng mạnh nhất là STB +1,3%.

Cổ phiếu bất động sản ngoài VHM và NVL thì đồng loạt các mã khác cũng ở chiều giảm như VIC, BCM, VRE, KDH, VPI, PDR, KSF, NLG, CEO, TCH, HDG, KHG… 2 mã nằm sàn là LDG và API.

LDG của CTCP Đầu tư LDG chịu lực bán tháo sau thông tin Dự án Khu dân cư Tân Thịnh tại Đồng Nai của công ty vừa có kết luận thanh tra toàn diện với hàng loạt sai phạm. Khối lượng giao dịch cổ phiếu này tăng đột biến lên hơn 20 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã vẫn giữ được sắc xanh là DIG, KBC, HDC, IJC, CRE, FIR, NBB…, nhưng tăng không đáng kể, chỉ trên dưới 1%.

Chỉ số hôm nay còn bị kéo giảm bởi dòng tiền rút khỏi các nhóm chứng khoán, vật liệu xây dựng, vận tải kho bãi, xây dựng, ngân hàng.

Nhóm chứng khoán hầu hết ở chiều giảm. SSI -1,1%, VND -2,6%, VCI -2,6%, SHS -1,9%, MBS -2,4%, BSI -PHS và TVS, trong đó PHS tăng hết biên độ 14,2%.

Nhóm vật liệu xây dựng ngoài tác động của HPG thì HSG, NKG cũng ở chiều giảm.

Nhóm ngân hàng các cổ phiếu điều chỉnh không lớn, tăng mạnh nhất là BVB, NAB và VBB (cùng tăng 1,9%), trong khi giảm mạnh nhất là KLB -5,8%.

Chiều tăng hôm nay có nhóm thủy sản, bán lẻ và vài nhóm nhỏ khác nhưng dòng tiền mua cũng không mạnh.

Chứng khoán Việt Nam hôm nay đồng thuận với phần lớn thị trường châu Á, sau khi biên bản cuộc họp chính sách gần đây của Fed cho thấy các quan chức dự báo nền kinh tế Mỹ suy thoái vào cuối năm nay, trong khi số liệu lạm phát không thể làm giảm đồn đoán về một đợt tăng lãi suất nữa.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3%. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5% do sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu ngành công nghệ sau khi tờ Financial Times đưa tin tập đoàn tài chính SoftBank của Nhật Bản đang tìm cách bán lượng lớn cổ phần trong Alibaba mà tập đoàn này nắm giữ. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,3%.

Chứng khoán Sydney, Đài Bắc, Mumbai, Manila và Jakarta cũng giảm, trong khi chứng khoán Singapore, Wellington và Seoul tăng nhẹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp