Có thể đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua Luật Đất đai sửa đổi

QUỐC HỘI LUẬT ĐẤT ĐAI
17:41 - 13/06/2022
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đây là dự án luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai.

Chiều 13/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Cũng theo chương trình, với 92,77% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có đại biểu đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến đại biểu, cho rằng đây là Dự án Luật quan trọng nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ. Trường hợp Dự án Luật Đất đai được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Giữa tháng 4/2022, Chính phủ xin lùi thời gian trình dự án luật này, theo đó, dự án sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Như vậy, nếu khả năng tiến độ được đẩy nhanh hơn, đạo luật quan trọng này có thể được thông qua vào giữa năm 2023.

Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của đất

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quy hoạch quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không; vấn đề sử dụng đa mục đích; xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Dự luật cũng quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; kiểm soát chặt chẽ và công khai trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp thứ ba của Quốc hội, trước sự quan tâm của cử tri về việc sửa Luật Đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là vấn đề hết sức cơ bản, cực kỳ quan trọng, nhưng đang có nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết mặc dù vừa qua đã có nhiều chính sách để phát huy được tiềm năng, thế mạnh về đất đai.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất đai là vấn đề cực kỳ quan trọng, là tư liệu sản xuất cơ bản... Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022), Trung ương quyết định trên cơ sở nghị quyết mới lần này, Quốc hội phải nghiên cứu xem xét sửa Luật Đất đai để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của đất nước.

Nhưng Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng, sửa Luật Đất đai thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai thì không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng phải thiết thực. Vừa phải đảm bảo đời sống của người dân, nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề làm dần từng bước, hoàn thiện dần.

Tin liên quan

Đọc tiếp