Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng nhanh về chất và lượng
Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau thời gian triển khai chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, đến nay có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động và QR Code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.
Hoạt động thanh toán không tiền mặt và hoạt động số trong 4 tháng đầu năm nay ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,7% và 33,12%.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.
Thông tin thêm về kết quả chuyển đổi số ngành ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, ngành ngân hàng đã ứng dụng giải pháp xác thực thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip sớm với việc sử dụng các thiết bị đọc xác thực tại các quầy giao dịch, xác thực trên thông tin qua đọc NFC giải mã các thông tin lưu trữ trong chip của thẻ CCCD.
Đến nay, ngành ngân hàng đã sử dụng và đưa vào nghiệp vụ lõi để định danh an toàn với 1,5 triệu lượt sử dụng dịch vụ. Trung bình mỗi tháng từ 300.000-500.000 lượt, tăng trưởng 30% hàng tháng. Chất lượng và trải nghiệm dịch vụ đã đọc và xác thực thành công với các thiết bị đầu đọc chưa đến 2 giây và trên điện thoại từ 3-5 giây.
"Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ làm xã hội ngày càng văn minh, chuyển đổi trạng thái giảm tiếp xúc trực tiếp hoàn toàn trên môi trường điện tử, giảm chi phí đầu tư, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp".
An ninh, an toàn thông tin vẫn là 'điểm nghẽn' lớn
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao những nỗ lực chuyển đổi số ngành ngân hàng, song công tác triển khai quá trình này còn gặp nhiều khó khăn, trong đó việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống trong triển khai các dịch vụ trên môi trường điện tử là thách thức lớn khi hạ tầng còn manh mún, thiếu đồng bộ.
Cùng với đó, chưa xây dựng được các phương án bảo vệ hệ thống, dữ liệu trước nguy cơ tấn công ngày càng gia tăng như thời gian vừa qua đối với các hệ thống lớn. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông...trong việc giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Cũng tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, chưa ngăn chặn được các mã tống tiền đang ngày phổ biến. Một minh chứng rõ nét, trong quý 1/2024 đã ghi nhận gần 2.400 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là thể chế, chính sách vẫn còn vướng mắc. Chẳng hạn, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được ban hành.
Hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế như hạ tầng cho thương mại 5G, hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn...
Các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới như Fintech (tài chính công nghệ) còn hạn chế. Vẫn còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin.
4 khía cạnh chuyển đổi số ngành ngân hàng
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, xu hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng trong thời gian tới cần được thúc đẩy qua 4 khía cạnh.
Thứ nhất, dữ liệu vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế trong khi ngành ngân hàng có nhiều dữ liệu. Do đó, cần phải khai thác dữ liệu hiệu quả thông qua thí điểm, xây dựng các quyết định pháp lý liên quan.
"Điều này sẽ giúp tạo nên nhiều giá trị cho ngành ngân hàng nói riêng và hoạt động của nền kinh tế nói chung. Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ của dữ liệu, các ứng dụng thực tế, công nghệ của ngành tài chính - ngân hàng sẽ chưa đạt yêu cầu về chuyển đổi số," Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ số trong toàn ngành ngân hàng chính là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong chuyển đổi số ngành ngân hàng sang quản trị số và cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét triển khai một số nội dung liên quan như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dữ liệu, điều hành chính sách tiền tệ, xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến để phục vụ công tác quản lý Nhà nước và đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, chuyển đổi số ngành ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị số của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tài chính khi đưa ra các quyết sách dựa trên dữ liệu.
Thứ tư, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cần được chú trọng trong tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng. Thực tế, tình hình tấn công vào các hệ thống cũng như đánh cắp thông tin của người dùng trên các nền tảng trực tuyến ngày càng gia tăng và có chiều hướng phức tạp, đặc biệt về vấn đề chiếm quyền hệ thống thông tin, đe dọa nghiêm trọng đến các ngân hàng và nền kinh tế.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cần nâng cao hợp tác với các bộ, ngành cơ quan chức năng để xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh.
Trước những hạn chế trên, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị, ngành ngân hàng cần tập trung hoàn thiện đề án riêng của ngành nhằm hỗ trợ thành công chung của Đề án 06. Khẩn trương chỉ đạo các đơn vị hoàn thành số hóa, làm sạch dữ liệu với hơn 170 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng và ví điện tử.
Cùng với đó, tích cực khai thác, kết nối dữ liệu "gốc" (dữ liệu về dân cư, căn cước, định danh điện tử...) với dữ liệu viễn thông, thuế, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số giữa các bộ, ngành.