Nhóm phát triển hình thức mua trước, trả sau này được Hiệp hội Fintech Singapore cùng các công ty trong ngành như Ablr, Atome, Grab, SeaMoney... thành lập theo hướng dẫn của Cơ quan Tiền tệ Singapore.
Theo Hiệp hội Fintech Singapore, bộ quy tắc ứng xử quy định các biện pháp bảo vệ để giảm thiểu rủi ro nợ quá mức của người tiêu dùng. Đồng thời, bộ quy tắc sẽ yêu cầu tất cả nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau hoạt động ở Singapore phải tuân thủ quy định. Nếu công ty nước ngoài trong lĩnh vực này muốn gia nhập vào thị trường Singapore cần tìm cách tuân thủ quy tắc trước khi cung cấp dịch vụ tại đây.
Bộ quy tắc ứng xử trong mua trước, trả sau yêu cầu các công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu thành lập một văn phòng tín dụng tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chia sẻ thông tin tín dụng. Chia sẻ thông tin tín dụng sẽ cho phép các công ty mua trước, trả sau xem xét các số dư chưa thanh toán của khách hàng giữa các nhà cung cấp khi tiến hành đánh giá tín dụng tiếp theo.
Các nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau sẽ phải trải qua một cuộc kiểm toán do một đánh giá viên độc lập thực hiện để đảm bảo rằng họ tuân thủ quy tắc. Sau đó, Hiệp hội Fintech Singapore sẽ đánh giá trình độ của họ để được công nhận. Nếu được công nhận thành công, họ có thể hiển thị dấu ủy thác, thể hiện họ tuân thủ quy tắc. Ba năm sau, họ phải được công nhận lại.
Các nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau hiện tại ở Singapore bao gồm Ablr, Atome, Grab, LatitudePay, ShopBack và SeaMoney. Hãng kiểm toán PwC đã được cả 6 nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau nêu trên chỉ định làm đơn vị đánh giá độc lập cho đánh giá đầu tiên của họ. Đến ngày 1/4/2024, dấu ủy thác sẽ được trao cho các nhà cung cấp dịch vụ được công nhận và người tiêu dùng có thể tìm dấu ủy thác này trên trang web của nhà cung cấp mua trước, trả sau và các tài sản thế chấp khác.
Ông Andrew Tan, Giám đốc điều hành bộ phận chính sách Prudential tại Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết, dấu ủy thác sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện được doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau uy tín, từ đó giảm thiểu rủi ro tích lũy nợ.
"Bộ quy tắc ứng xử này nhằm bảo vệ người tiêu dùng và mong muốn tạo ra môi trường được bảo vệ, đáng tin cậy, tác động tích cực đến ngành tài chính", Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore Shadab Taiyabi cho biết.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của loại hình dịch vụ thanh toán "mua trước trả sau" tại nhiều quốc gia. |
Các công ty công nghệ tài chính (fintech) của Singapore bắt đầu cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau từ vài năm trước nhưng tại thời điểm đó, hình thức này chưa được quan tâm. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các cửa hàng buộc phải đóng cửa, làn sóng sa thải nhân sự nổi lên khiến người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, từ đó nhu cầu mua trước, trả sau đã tăng mạnh.
Hình thức mua trước, trả sau cho phép người dùng mua sắm hàng hóa trong hạn mức được cấp và trả sau theo số kỳ thanh toán đã chọn (như 1,2,3 hay 6 kỳ) với lãi suất rất thấp.
Theo số liệu, thanh toán qua hình thức mua trước trả sau tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 20,4% và đạt 198,2 tỷ USD vào năm 2023. Lĩnh vực này ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 quý vừa qua nhờ tỷ lệ tiếp cận thương mại điện tử ngày càng tăng. Tại Đông Nam Á, hình thức thanh toán mua trước, trả sau tăng trưởng mạnh ở các quốc gia như Singapore, Malaysia và Indonesia.
Mặc dù mang lại nhiều tiện ích thanh toán cho người dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hình thức này có thể khiến người tiêu dùng phải trả nhiều nợ hơn. Kết quả nghiên cứu của Deloitte cho thấy, 68% khách hàng thanh toán qua hình thức mua trước, trả sau chi tiêu nhiều hơn khả năng chi trả của họ.
Nguyên nhân là nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau không kiểm tra lý lịch tín dụng của người dùng. Để sử dụng dịch vụ, người dùng chỉ cần có tài khoản ngân hàng hợp lệ và không cần kiểm tra lý lịch tài chính nào khác.
Trước những lo ngại này, một số quốc gia đang nỗ lực quản lý hoạt động mua trước, trả sau để người tiêu dùng không rơi vào bẫy nợ. Chẳng hạn như Malaysia, đầu năm 2023, chính phủ nước này có kế hoạch ban hành Đạo luật Tín dụng tiêu dùng, trong đó đề cập đến áp dụng yêu cầu tài chính tối thiểu 440.000 USD đối với các nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau.
Ngoài ra, Malaysia cũng thành lập Ban giám sát tín dụng tiêu dùng nhằm điều chỉnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tín dụng. Chính phủ nước này đã nhận được phản hồi từ các bên quan tâm và sẽ hoàn thiện bộ nguyên tắc vào cuối năm nay.