Đại biểu QH: Cần chấm dứt quy định rút BHXH một lần trong tương lai

BẢO HIỂM QUỐC HỘI
12:53 - 23/11/2023
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn TP HCM.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn TP HCM.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, nếu muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì đồng thời cần phải chấm dứt quy định rút BHXH một lần trong tương lai.

Tại phiên thảo luận Nghị trường sáng 23/11 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến quy định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Tại dự thảo Luật, Chính phủ đã đề xuất hai phương án liên quan đến nội dung này.

Phương án 1: Quy định hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1 là với người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được nhận một lần. Nhóm 2 là với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi thì không được nhận một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM nhất trí với phương án 1. Theo bà, người lao động cho rằng BHXH là quyền tài sản, là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động, cống hiến và tích lũy của cá nhân. Vì vậy, họ phải được quyền quyết định đối với tài sản của mình.

Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri, hầu hết công nhân tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đều đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1, và theo bà Thuý, đây cũng là phương án tương đối hài hòa, đảm bảo quyền được rút một lần đối với người đang tham gia đóng quỹ BHXH, có thể đảm bảo ổn định quan hệ lao động khi luật có hiệu lực thi hành.

"Có thể có làn sóng nghỉ việc, xin rút BHXH một lần ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật này nhưng nhóm lao động mới tham gia BHXH sau năm 2025 sẽ duy trì tham gia đến cuối vòng đời lao động", bà Thuý nói.

Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy không một chính sách nào làm hài lòng được tất cả các đối tượng có liên quan. Nếu muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo Luật thì đồng thời cần phải chấm dứt quy định rút BHXH một lần trong tương lai.

Trước bà Thuý, nhiều đại biểu ủng hộ quan điểm người lao động có quyền rút BHXH một lần. Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho biết, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Quốc hội khóa XIII cũng đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Với mục tiêu nhân văn, Quốc hội đã quyết định bảo lưu BHXH để người lao động khi về già có khoản tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên người lao động lại không đồng tình và có phản ứng. Sau đó, Quốc hội khoá XIII đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu hay rút BHXH một lần.

“Tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình? Đây là vấn đề cần được tiếp tục làm rõ vì nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn, về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống”, đại biểu nói.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Kom Tum.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Kom Tum.

Trở lại dự thảo Luật lần này, đại biểu Tô Văn Tám lo ngại, nếu áp dụng phương án 1, người lao động sẽ không đồng tình. Ở phương án 2 cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không có 50% tổng số thời gian đóng, đại biểu băn khoăn "tại sao lại là 50% mà không phải tỷ lệ khác?”. Ông cho rằng cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia nữa.

Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần. Khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi hết độ tuổi lao động.

Bày tỏ thống nhất với quan điểm của đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, người lao động có quyền rút bảo hiểm xã hội một lần, dù là trước hay sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, nhưng phần tiền người sử dụng lao động đóng phải được giữ lại.

Theo đại biểu Hoà, điều cốt lõi là phải làm sao để giữ chân người lao động, vì thực tế hiện nay, người lao động phần lớn nằm ngoài khu vực Nhà nước không làm việc đến tuổi nghỉ hưu, thậm chí 35-40 tuổi đã nghỉ, phải rút bảo hiểm. "Đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu vấn đề này", ông Hoà nói.

Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn Đồng Tháp.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) chia sẻ trước những băn khoăn của các đại biểu về phương án rút BHXH một lần. Tuy nhiên ông cho rằng, BHXH là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu và không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí bắt buộc để người lao động chuẩn bị từ sớm, từ xa cho tuổi già, không để trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Theo đại biểu, phải tác động mạnh bằng chính sách, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động. "Thực tế hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết về lợi ích của BHXH", ông Mai nói, đồng thời bày tỏ nhất trí với đề xuất của đại biểu Tô Văn Tám và đại biểu Phạm Văn Hòa về việc được rút phần BHXH do người lao động đóng, phần do người sử dụng lao động đóng thì giữ lại để hưởng lương hưu.

Tin liên quan

Đọc tiếp