Đại biểu Quốc hội: 'Đừng để sầu riêng trở thành sầu chung'

NÔNG NGHIỆP QUỐC HỘI
11:29 - 01/11/2023
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Để tránh tình trạng tư thương thu gom, làm giá nông sản, đại biểu cho rằng cần phát triển các doanh nghiệp nông thôn. Đây cũng chính là chìa khoá thành công của ngành nông nghiệp.

Phát biểu tại hội trường sáng 1/11, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp.

Đại biểu cho biết, báo cáo của Chính phủ có nêu nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, tiêu thụ ngang hoặc dưới giá thành và liên tục phải giải cứu. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ lưỡng nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế để chấm dứt điệp khúc “được mùa – mất giá” và các đợt “giải cứu nông sản” như thời gian qua.

Nêu ví dụ thực tế, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng sản phẩm trái sầu riêng đang là báo động. Theo quy hoạch trồng trọt định hướng đến năm 2020 cả nước có 65.000 – 75.000 ha trồng sầu riêng, tuy nhiên số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước đã có 131.000 ha sầu riêng. Mỗi năm diện tích cây trồng này tăng bình quân 24,5%, mức tăng trưởng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực.

Đại biểu lo ngại tình trạng người dân ở một số tỉnh phía Nam đổ xô trồng sầu riêng có thể dẫn đến hậu quả phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cung vượt quá cầu. “Đừng để sầu riêng trở thành sầu chung”, đại biểu nhấn mạnh.

Sầu riêng đang là cây trồng được người dân đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh minh hoạ

Sầu riêng đang là cây trồng được người dân đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh minh hoạ

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp, sản xuất hàng hoá có sức cạnh tranh cao. Đây chính là một đột phá về tư duy và cách làm. Để thực hiện điều này, vai trò của doanh nghiệp rất lớn, là người đồng hành, dẫn dắt, thúc đẩy hoạt động sản xuất và góp phần định hình tư duy nông dân.

Vì vậy, đại biểu cho rằng phải tạo cơ chế thông thoáng, cùng với chính sách đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vào vùng nông thôn.

"Theo số liệu thống kê, khảo sát, trong hơn 900.000 doanh nghiệp cả nước thì chỉ có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và doanh nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn rất ít, chỉ dưới 10%, còn lại chủ yếu đầu tư ở các cụm khu công nghiệp, khu đô thị. Vùng nông thôn là khoảng trống cho tư thương thu gom, làm giá", ông Tuấn Anh nêu thực tế.

Đại biểu cho rằng, hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng việc tiếp cận chính sách còn khó khăn, như giá đất, thuế... "Nếu đầu tư vào nông nghiệp mà phải trải qua đấu thầu thì khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực rủi ro cao, lợi nhuận thấp, chi phí lớn như nông nghiệp", đại biểu nói.

Đại biểu đề xuất Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng các công trình trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ cao trên đất nông nghiệp; Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn... "Phát triển doanh nghiệp nông thôn là chìa khoá thành công của ngành nông nghiệp", Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu khẳng định.

Cùng mối quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng hơn 2 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại kết quả tích cực. Khung pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp được quan tâm, ban hành mới. Ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo sự ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều, các nút thắt cơ bản của ngành nông nghiệp còn chưa được giải quyết, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn Tiền Giang.

Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn Tiền Giang.

Đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có; có chính sách đột phá, chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa.

"Cần đẩy nhanh tiến độ công việc cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; lồng ghép hiệu quả nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, tập trung ở các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển liên kết gắn với chuỗi giá trị, đầu tư hạ tầng thương mại logistic...", đại biểu nêu kiến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.