Đặt 'ngôi sao hy vọng' ở nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

KINH DOANH Việt nAM
23:08 - 26/01/2023
Năm 2022: Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84.
Năm 2022: Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế Việt Nam.

Thông điệp đồng hành

Phát biểu tại hội nghị hồi trung tuần tháng 12/2022 tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông nhận định, nghị quyết đã thể hiện rõ một thông điệp về quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, một quyết tâm hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, nội dung về cải cách môi trường kinh doanh được đề cập trong nghị quyết cũng tương thích các giải pháp đề ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoá XV về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Nghị quyết số 02/NQ-CP và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là ‘gói cứu trợ’ cần thiết cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông

Nhìn lại suốt cả năm 2022, chỉ trong 10 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành hơn 10 Nghị quyết về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, góp sức cùng cộng đồng doanh nghiệp chèo lái đưa nền kinh tế sớm phục hồi, tạo nền tảng cho sức phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

“Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, có thêm niềm tin vào một môi trường kinh doanh an toàn và sự phục hồi của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.

Thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trong đó, trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84.

Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế Thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52), được đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Niềm tin thị trường cũng phần nào được thể hiện qua con số thành lập doanh nghiệp. Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 11 tháng năm 2022 đã lập kỷ lục.

Có 194.699 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021 (153.664 doanh nghiệp).

Nhiều chuyển biến tích cực

Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng lan tỏa tới các địa phương. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quang Thành cho biết, với phương châm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh”, Bắc Ninh quyết tâm thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển KTXH dài hạn và trung hạn đặt ra trong từng thời kỳ.

Trong 3 năm gần đây, Bắc Ninh luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cao của cả nước. Năm 2021, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố với 69,45 điểm, tăng 3 bậc và tăng 2,71 điểm so với năm 2020, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng tốt.

Cùng với Bắc Ninh, Hà Nội cũng là một trong các địa phương nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cho biết, TP xác định cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững luôn là nhiệm vụ trọng tâm.

Kinh tế TP đã ghi nhận tăng trưởng khoảng 8,89% năm 2022 - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), dự kiến đến hết năm 2022, Hà Nội sẽ thu hút khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 6 cả nước về thu hút FDI.

Đề xuất “giữ lửa” cải thiện môi trường kinh doanh

Đánh giá cao nỗ lực và thông điệp đồng hành của Chính phủ, TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) chia sẻ với Mekong ASEAN rằng, từ các số liệu và các chỉ tiêu cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đã bắt đầu nhìn thấy sự hồi phục của khu vực doanh nghiệp.

Ông Nam đánh giá Nghị quyết 02/NQ-CP đã tạo nên nhiều kết quả tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp, những kết quả này không chỉ được đánh giá trong nước mà còn được nhiều tổ chức đa quốc gia ghi nhận.

"Hiện nay trong cơ cấu doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trên 65% vẫn là dịch vụ thương mại. Đây là cơ cấu tương đối cao nhưng tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất trong nước còn thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Về lâu dài thì phát triển công nghiệp phụ trợ là trách nhiệm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó cần được tạo điều kiện thúc đẩy”.

TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp VINASME

"Mặc dù còn vô vàn khó khăn nhưng gần như doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phục hồi so với trước khi có dịch. Thậm chí, có một số ít doanh nghiệp tăng trưởng còn vượt kế hoạch đề ra", ông Nam đánh giá. Ông cũng kiến nghị Chính phủ "tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực có thể làm được, dựa vào công nghệ số, số hóa", tiếp tục giữ nguyên các động lực phục hồi, tăng trưởng cho doanh nghiệp.

“Khu vực doanh nghiệp lớn và vừa hiện có nền tảng công nghệ tốt nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ lại đang thiếu yếu tố này nên rất cần gói hỗ trợ về nâng cao năng lực số để tương thích với sự chuyển đổi, trước mắt là tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm, hành chính công", ông Nam nói.

Ông Nam kiến nghị, khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất cần được nâng tỷ lệ vốn vay ngân hàng ít nhất cao hơn năm 2022 từ 7 - 10%, giảm chi phí lãi vay và chi phí tài chính trong năm 2023. “Mặc dù, các doanh nghiệp đã phục hồi nhưng sức lực đã bị bào mòn sau hai năm dịch bệnh, do đó, họ cần ít nhất một năm nữa để tăng cường năng lực trở lại mạnh hơn”, Tổng thư ký VINASME nhận định.

Đối với các gói hỗ trợ người lao động thông qua doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, kinh doanh thương mại, TS. Tô Hoài Nam cho rằng nên thực hiện một cách chọn lọc cho những khu vực đang bị tác động bởi các yếu tố khách quan.

Đặc biệt, ông Nam kiến nghị Chính phủ sớm khuyến khích các loại hình doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào loại hình khu công nghiệp chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê từ 300 – 500 m2, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận nguồn lực đất đai cho sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp