Đầu tư tài chính Hoàng Minh báo lãi quý 3 tăng 700% nhờ chuyển nhượng vốn

DOANH NGHIỆP Việt nAM
06:05 - 19/10/2022
Ban lãnh đạo KPF tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Ban lãnh đạo KPF tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (mã chứng khoán KPF) công bố báo cáo tài chính riêng quý 3/2022 với lợi nhuận tăng trưởng vượt trội, dù không ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Theo đó, trong quý 3, doanh thu của KPF chủ yếu đến từ hoạt động tài chính với 27 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, mục này chỉ ghi nhận 5,5 tỷ đồng. Cộng thêm các khoản thu nhập khác 295 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nên kết quả, công ty lãi sau thuế hơn 26 tỷ đồng, tăng gần 700% so với con số 3,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình từ KPF, lợi nhuận vượt trội trong quý 3 là do công ty đã chuyển nhượng 44% vốn góp tại công ty liên kết là Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm.

Không chỉ trong quý 3 mà cả 9 tháng đầu năm, Đầu tư tài chính Hoàng Minh đều không ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn mang về 25 tỷ đồng. Bù lại, doanh thu hoạt động tài chính vượt trội, đạt 83 tỷ đồng, tăng 144% so với 9 tháng đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của KPF đạt 73 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.

Trong quý 2, KPF cũng đã thoái một phần vốn tại công ty con là CTCP TTC Deluxe Sài Gòn.

Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của KPF đạt hơn 800 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 159 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận), phải thu ngắn hạn của khách hàng 92 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận).

Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm mạnh từ 360 tỷ đồng về 144 tỷ đồng. Đó là các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết; còn khoản đầu tư 294 tỷ đồng vào công ty con hồi đầu năm đã không còn.

Nợ phải trả của KPF cũng giảm mạnh từ 9,5 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 6,7 tỷ đồng. Đây là toàn bộ là nợ ngắn hạn, trong đó nợ nhiều nhất là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước; không ghi nhận nợ vay.

Đầu tư vào căn hộ du lịch

Thoái vốn tại các công ty con, Đầu tư Tài chính Hoàng Minh mang gần 130 tỷ đồng đầu tư gián tiếp vào bất động sản Đà Nẵng. Cụ thể, ngày 2/10 vừa qua, công ty công bố thông qua phương án đầu tư mua sản phẩm tại Dự án Căn hộ du lịch Summit Lê Đức Thọ (Đà Nẵng).

KPF dự kiến đầu tư mua 58 căn hộ du lịch trong Dự án Căn hộ du lịch Summit Lê Đức Thọ với tổng giá trị đầu tư 128,57 tỷ đồng, tương ứng 2,22 tỷ đồng/một căn. Đây là dự án do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển New Day làm chủ đầu tư, thuộc Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng (Harbour Ville), phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng với diện tích 1.251m2.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu KPF “gây sốt” trong tháng 8 vừa qua khi leo dốc thẳng đứng từ vùng giá 10.000 đồng/cp lên 21.000 đồng, tương ứng mức tăng hơn 100% chỉ trong 1 tháng. Tuy nhiên sang tháng 9, KPF lại lao dốc trở về vạch xuất phát và hiện giao dịch ở vùng giá gần 10.000 đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Tổng giám đốc Lê Đình Quang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ OCH: Kế hoạch kinh doanh thận trọng

Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) được tổ chức ngày 15/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Tính đến 8h ngày 15/5, số đại biểu tham dự là 4 cổ đông, đại diện cho 74,59% số cổ phần có quyền biểu quyết.