Đề xuất 9 định hướng phát triển liên kết Đồng bằng sông Hồng

Liên kết Vùng
11:17 - 30/03/2023
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo, ngày 30/3. Ảnh: MOIT.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo, ngày 30/3. Ảnh: MOIT.
0:00 / 0:00
0:00
Tại hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”, ngày 30/3, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ra các định hướng để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nhấn mạnh Đồng bằng Sông Hồng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.

Trong giai đoạn vừa qua, vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2022 đạt 8,93%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước.

Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2022 đạt 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm 30,4% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 123,4 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vùng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, thu ngân sách Nhà nước còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất, công tác quy hoạch còn chậm triển khai, liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Ảnh: MOIT

Ảnh: MOIT

“Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do nhận thức về vai trò liên kết vùng chưa đầy đủ, thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và có ngân sách riêng cấp vùng. Chất lượng quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng còn thấp. Chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như từng địa phương trong vùng, các địa phương cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng.

Tại hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng KH&ĐT đã nêu ra các định hướng cần tập trung triển khai để phát triển liên kết cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

Một, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá. Xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành.

Hai, xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững, đại kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Quy hoạch các địa phương bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng.

Ba, tranh thủ, tận dụng thời cơ từ các xu thế phát triển mới theo các mô hình tăng trưởng trong các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ.

Bốn, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, lan tỏa, đồng bộ, kết nối.

Năm, phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế - văn hóa -xã hội - môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Sáu, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới.

Bảy, phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh.

Tám, phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, chủ động các biện pháp phòng vệ phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng.

Chín, tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Thành lập và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của các địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp