Đề xuất mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế từ 30/4: 'Không thể chờ đợi lâu hơn nữa'

DU LỊCH Việt nAM
18:55 - 18/01/2022
Đề xuất mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế từ 30/4: 'Không thể chờ đợi lâu hơn nữa'
0:00 / 0:00
0:00
“Nên chăng lấy ngày 30/4 năm nay để mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trở lại, song song kiểm soát an toàn COVID-19”, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề. Bộ cũng dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ngay trong đầu tuần tới.

“Không thể chờ đợi lâu nữa!”, đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về vấn đề mở cửa du lịch quốc tế tại Hội nghị trực tuyến Báo cáo kết quả Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh thành, chiều 18/1.

Từng là ngành đóng góp khoảng 10% vào tổng quy mô GDP của nền kinh tế, giờ đây du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 kéo dài 2 năm qua. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, Việt Nam chỉ đón 157.269 lượt khách quốc tế, giảm 95,9% so với năm 2020.

Biểu đồ: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh trong 2 năm gần đây

Du lịch cũng là ngành duy nhất trong các ngành kinh tế có gói hỗ trợ trực tiếp được nhắc đến trong cấu phần Nghị quyết chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội thông qua mới đây.

Cụ thể, trong cấu phần về gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; bên cạnh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ trong 2 năm còn có gói cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng lấy trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

Ảnh tác giả

“Chúng ta phải đi bằng hai chân: Phục hồi cả du lịch nội địa và quốc tế. Du lịch nội địa có những lúc là cứu cánh làm ấm lại thị trường, nhưng phải mở cửa quốc tế mới phát triển nhanh được”.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Cho đến nay, sau 2 tháng thí điểm mở cửa đường bay quốc tế trở lại, Việt Nam đã đón khoảng 8.000 lượt khách quốc tế. Đặc biệt, việc đón khách an toàn tạo niềm tin vững chắc cho du khách quốc tế cũng như cơ sở triển khai các bước tiếp theo trong lộ trình mở cửa hoàn toàn.

Từ đó, Bộ trưởng đặt vấn đề liệu có khả thi nếu mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế đúng dịp 30/4, ngày thống nhất đất nước hay không. “Nên chăng ngày chiến thắng 30/4 mở cửa đón khách quốc tế song song kiểm soát an toàn dịch COVID-19? Nếu làm thế thì cách thức triển khai như thế nào? Công tác chuẩn bị ra sao?”

Hào hứng với “đề bài” mà Bộ trưởng đặt ra, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) kiến nghị: “Đây là cơ hội nghìn năm có một, Việt Nam phải mở cửa ngay!”.

Ảnh tác giả

“Quả thanh long còn không đi du lịch vào Trung Quốc được nữa là người… Chắc chắn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ chưa mở cửa du lịch quốc tế, thì Việt Nam phải mở ngay. Đấy là cơ hội! Tất nhiên cũng cần lưu ý phương châm an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Nếu ta làm được điều này, vị thế của du lịch Việt Nam sẽ khác hẳn".

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV

Đồng quan điểm này, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và đại diện Sở Du lịch nhiều địa phương cũng lên tiếng ủng hộ đề xuất mở cửa hoàn toàn với quốc tế để đón khách du lịch trở lại trong quý II năm nay.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB kiêm Chủ tịch Tập đoàn TM Group cho biết có thể cân nhắc mở cửa hoàn toàn vào ngày 30/4 do Việt Nam hiện đang ở điều kiện tốt cho việc mở cửa, thể hiện qua những yếu tố như tỷ lệ bao phủ vaccine nằm trong top 5 thế giới; kinh nghiệm điều trị và các nghiên cứu gần đây về mức độ tử vong thấp của biến chủng virus mới; thí điểm mở cửa tại một số địa phương thời gian qua cho thấy độ an toàn cao.

Cũng theo ông Trần Trọng Kiên, việc mở cửa sớm là cách hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp du lịch nói riêng và các ngành dịch vụ liên quan nói chung trong lộ trình phục hồi sức sống của ngành. “Sức sống của ngành du lịch phụ thuộc lớn vào dỡ bỏ hạn chế di chuyển nội địa và mở cửa quốc tế”, ông nói thêm.

Gấp rút hoàn thiện đề xuất trình Chính phủ

Ủng hộ quan điểm mở cửa hoàn toàn trong quý II/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đề xuất với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng 3 điều cần làm ngay để thúc đẩy mở cửa.

Trong đó, bên cạnh công tác tăng cường quảng bá, phát triển thị trường du lịch; Tổng cục Du lịch đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ từng bước lộ trình mở cửa, lựa chọn thời điểm mở cửa toàn bộ, dự kiến trong quý II. Từ đó, các địa phương và doanh nghiệp chủ động trong công tác chuẩn bị những điều kiện cần thiết để phát triển du lịch.

Ngoài ra, đề xuất tháo gỡ những ràng buộc không cần thiết và đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương cũng như trong từng địa phương về kiểm soát dịch bệnh và phục hồi du lịch; báo cáo Bộ trưởng đề xuất cho mọi công dân Việt Nam nhập cảnh trên khắp các chuyến bay thương mại, làm sao tăng các chuyến bay thương mại đến Việt Nam.

Tiếp nhận những đề xuất này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Quyết tâm chính trị thì có rồi nhưng phải làm thế nào để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh”. Ông chỉ đạo Tổng cục Du lịch khẩn trương lấy ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan liên quan để tạo sự đồng thuận cũng như có đề xuất báo cáo Thủ tướng một cách đầy đủ nhất, có cơ sở, có luận chứng khoa học về các điều kiện an toàn để mở cửa hoàn toàn.

“Tổng cục Du lịch tiếp tục hoàn thiện văn bản chậm nhất tuần sau báo cáo lên Chính phủ ở dạng ý kiến tham vấn. Bộ cũng sẽ tham gia ở dạng cơ quan tham mưu của Nhà nước. Quyết định là ở thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tin rằng Chính phủ sẽ thấy được quyết tâm đó khi chúng ta làm nghiêm túc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

“Ngay và luôn thứ Hai tuần sau sẽ tổ chức một hội nghị với các Bộ ngành khác để tranh thủ lấy ý kiến các chuyên gia, các Bộ ngành. Từ thứ Ba hoàn thiện văn bản trình lên Thủ tướng… Các điều kiện đã rất tốt rồi, vậy thì tại sao chúng ta không dám mạnh dạn đề xuất? Nếu ta không làm thì sẽ chậm đi, mất hết các cơ hội khác”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tin liên quan

Đọc tiếp