Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam

DOANH NGHIỆP Việt nAM
11:18 - 17/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ sáng 17/9, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, bất chấp những khó khăn của bối cảnh thế giới.

Việt Nam dễ dàng đạt được tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay

Theo chia sẻ của ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" sáng 17/9, Việt Nam là một thị trường mới nổi trên thị trường quốc tế và thế giới đang rất quan tâm, chú ý tới Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn được đánh giá cao do duy trì được vật giá, tỷ giá ngoại tệ ổn định. Trong năm 2022, Việt Nam được dự đoán sẽ dễ dàng đạt tăng trưởng kinh tế 7%.

Ông Kim Young Chul đánh giá cao những nỗ lực lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và bày tỏ niềm tin các hoạt động thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục được phát triển mạnh.

"Với những khó khăn mà doanh nghiệp Hàn Quốc gặp phải, chúng tôi hy vọng rằng các công ty của Hàn Quốc vẫn tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam và tiếp tục nỗ lực đóng góp vào phát triển bền vững cho Việt Nam," đại diện KORCHAM cho biết.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.

Trước những khó khăn trên toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả phát triển kinh tế khả quan, cũng như năng lực rất quan trọng của Việt Nam để hai nước có thể duy trì được các cán cân về đầu tư và các chỉ số.

Ông John Rockhold cũng chia sẻ, sau đợt bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam đã kịp thời và mở cửa trở lại, từng bước khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu hiện nay vẫn còn thách thức nhất định. Bên cạnh đó, chính sách về đầu tư của Việt Nam đang rất cạnh tranh và có thể thu hút nguồn đầu tư rất lớn, cũng như các quy định liên quan đến đầu tư của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, điều này sẽ cho hai nước một môi trường đầu tư minh bạch, có thể dự đoán được cũng như tinh giản được các thủ tục về đầu tư, không chỉ thu hút đầu tư mà tiếp tục duy trì phát triển nguồn đầu tư trong nước," ông John Rockhold nhận định.

Chúng ta luôn luôn cần có một kế hoạch tổng thể liên quan đến đầu tư để có thể đưa các nguồn đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Do đó, chúng tôi cũng rất hoan nghênh những chính sách của Việt Nam có thể giảm thuế cũng như tạo ra các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Amcham

Cần có chính sách thị thực cởi mở

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ các vấn đề, khó khăn đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam.

Đề cập đến việc đánh thuế chuyển giá và thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA - Advance Pricing Agreement), ông Kim Young Chul cho biết, người nộp thuế giao dịch với các bên liên quan nước ngoài có nguy cơ bị đánh thuế hai lần do việc đánh thuế chuyển giá. Do vậy, doanh nghiệp hội viên Hàn Quốc đã đăng ký thỏa thuận APA để ngăn chặn những nguy cơ này.

Tuy nhiên, do việc sửa đổi luật quản lý thuế của Việt Nam cũng như tình hình Covid-19 phức tạp khiến cho việc đàm phán vẫn chưa được thực hiện. Ông Kim hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu chi tiết về FTA để tham khảo và tham gia đàm phán hiệu quả, sớm đạt được kết quả thực chất và có phương án xử lý kịp thời.

Vấn đề thứ hai đại diện KORCHAM kiến nghị liên quan đến cần có quy định luật pháp đối với việc phòng chống "chảy máu chất xám".

Chúng ta có lực lượng nghiên cứu phát triển được đào tạo tốt, tuy nhiên hiện tượng "chảy máu chất xám" đang diễn ra. Điều này có thể tác động tiêu cực tới thu hút và mở rộng đầu tư của Việt Nam. Do đó, chúng tôi kiến nghị có luật phòng chống "chảy máu chất xám" đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh.

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch KORCHAM

Thứ ba, ông Kim cho rằng, Việt Nam nên có chính sách thị thực cởi mở hơn để trở thành một cường quốc du lịch toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

Việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp thị thực (visa) của những người làm việc hoặc đầu tư ở Việt Nam đang trở thành trở ngại trong việc đầu tư vì hồ sơ xin giấy phép lưu trú tại Việt Nam quá phức tạp. Nếu vấn đề này được giải quyết thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ quan tâm đến Việt Nam hơn.

Kiến nghị cuối cùng, ông Kim Young Chul cho biết, việc hoạch định cơ sở hạ tầng ngắn hạn và dài hạn bao gồm hệ thống điện, đường, cầu, cống cần phải được cải thiện để hỗ trợ các dự án công nghệ cao.

"Sự quan tâm tới hợp tác công nghệ cao đang ngày càng lớn và nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho Việt Nam như giá trị gia tăng từ các ngành công nghiệp sản xuất chất vi bán dẫn. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng rất quan tâm tới các dự án năng lượng. Do vậy việc phát triển cơ sở hạ tầng là rất cần thiết," ông Kim nhấn mạnh.

Kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông John Rockhold cũng bày tỏ hy vọng, thời gian tới Chính phủ Việt Nam phê duyệt Quy hoạch điện mới, minh bạch, hữu dụng, để có thể dọn đường cho việc chuyển sang năng lượng xanh, sạch. Việc sử dụng các turbine gió cũng như các cánh đồng năng lượng mặt trời cũng chưa được đưa vào mạng lưới điện.

"Chúng tôi không muốn đặt gánh nặng lên nền kinh tế của Việt Nam cũng như làm giá điện ở Việt Nam tăng cao. Chúng tôi chỉ mong rằng chúng ta có một lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi hy vọng rằng, Chính phủ có thể đưa đại diện khối tư nhân và đại diện khối ngân hàng vào tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển điện xanh và bền vững," đại diện Amcham phát biểu.

Về chuyển đổi số trong nền kinh tế Việt Nam, ông John cho rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để tạo ra một khung chính sách và quy định đảm bảo rằng tất cả người dùng Việt Nam cũng như các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng cơ chế có lợi cho họ.

Amcham cũng đã cung cấp một số phản hồi về một số quy định liên quan đến không gian kinh tế số. Hiện nay, những quy định đang bỏ qua hiệu quả kinh tế do các mô hình kỹ thuật số mang lại. Các doanh nghiệp đang quan ngại liệu các quy định có phù hợp với mục tiêu của Chính phủ và có lợi cho họ không. Do đó, ông John hy vọng Chính phủ sẽ lấy tham vấn của các doanh nghiệp, có bản dự thảo để các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp