Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025. Không nằm ngoài xu thế, những năm gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua Thương mại điện tử xuyên biên giới sáng 6/10, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT& KTS - Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng nhận định: "Cùng với cơ hội từ các FTA, xu hướng kinh doanh trên các nền tảng số ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới".
Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số Bùi Huy Hoàng phát biểu tại hội nghị. |
Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đã tăng từ mức 4 tỷ USD năm 2015 (giai đoạn được coi là nở rộ thương mại điện tử tại Việt Nam) lên mức 13,7 tỷ USD vào năm 2021. Dự báo giai đoạn 2022-2025 thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Mặc dù ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tiếp cận thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tập đoàn Sunhouse được biết đến là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thành công vào Mỹ thông qua sàn thương mại điện tử. Chia sẻ với Mekong ASEAN, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải cho biết, có 3 khó khăn chính mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử tại Mỹ.
Đầu tiên về vấn đề vốn, theo ông Hải việc thu lợi nhuận trong thời gian đầu rất khó khăn. “Trong bối cảnh dịch bệnh năm 2021 vừa rồi, Sunhouse đã phải mất 6 tháng để hoàn thành quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Trong điều kiện bình thường, bình quân đang là 3-4 tháng. Điều này có nghĩa là muốn bán được 100 tỷ/tháng thì doanh nghiệp phải chuẩn bị 300-400 tỷ đồng vốn. Do đó, muốn mở rộng quy mô thị trường như thế nào cũng như phải đưa bài toán tài chính trong bài toán nguồn lực của doanh nghiệp”, ông Hải nói.
Hiện Sunhouse đặt ra chiến lược phát triển tiêu thụ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử quốc tế trong vòng 2 -3 năm tới. Trong đó, năm đầu tiên doanh nghiệp xác định sẽ không có lợi nhuận, từ hòa cho đến lỗ.
Khó khăn thứ 2 là vấn đề nhân sự. Thương mại điện tử quốc tế còn khá mới mẻ với Việt Nam cho nên nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này còn tương đối ít, điều này tạo thế khó cho doanh nghiệp khi mới tiếp cận lĩnh vực và thị trường nước ngoài. Trước tình hình này, doanh nghiệp đã phải triển khai phương án tự đào tạo nhân sự nội bộ, vừa học vừa làm để theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử.
Thứ ba là vấn đề nắm bắt thông tin thị trường. “Mình không phải người Mỹ, mình không sống ở Mỹ để hiểu hành vi, thói quen mua sắm của khách hàng. Đây đều là vấn đề mà mỗi doanh nghiệp gặp phải, nó trở thành bài toán chung cho doanh nghiệp”, ông Hải nhận định.
Ngoài những thách thức không còn mới, ông Hải cũng cho biết, biến động kinh tế thế giới thời gian qua cũng đã trở thành rào cản đối với doanh nghiệp nói chung và Sunhouse nói riêng.
“Trước biến động kinh tế Mỹ thời gian qua, doanh nghiệp đã có bài thử nghiệm tại thị trường này khi tăng 10% giá đối với sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Kết quả, có đến ba phần tư số sản phẩm doanh thu tụt tương ứng 10% so với những tháng trước khi tăng”
Chi phí logistics tăng cao thời gian qua cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Trong thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2022 vừa rồi, chi phí logistics có thời điểm lên tới 53%. Đến hiện tại, chi phí này chỉ còn chiếm 35%. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tối ưu về 15 – 25% trong năm 2023.
Trước tình hình trên, ông Hải cho rằng, để có thể phát triển bền vững cũng như tăng sức cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận, doanh nghiệp cần giảm chi phí cố định và nâng doanh số.
Mặt khác, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình thương hiệu riêng nếu muốn tồn tại lâu dài. Ông Hải cho biết, trước đây, doanh nghiệp đã tham gia công hàng hóa để đưa vào Mỹ nhưng gia công chỉ giải quyết bài toán sản lượng và doanh thu, bài toán thương hiệu thì không. Trong khi đó, khi đưa hàng hóa trực tiếp qua sàn Amazon, điều này đã góp phần đưa tên tuổi của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng Mỹ.
Chỉ trong vòng nửa năm (từ tháng 2/2022 đến nay), Sunhouse đã đưa được 4 sản phẩm vào Mỹ, trong đó một sản phẩm đặc biệt được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng.
“Để có động lực bứt phát tăng trưởng, dù nhiều sản phẩm của tập đoàn đã chiếm 20 - 30% thị phần trong nước nhưng tập đoàn vẫn hướng tới các thị trường nước ngoài, bao gồm Mỹ. Tại thị trường Mỹ, hiện đã có 92% đánh giá tích về sản phẩm của Sunhouse trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đã có 1/4 sản phẩm nằm trong top 5 sản phẩm được yêu thích nhất trên sàn thương mại điện tử Mỹ”, ông Hải nói.
Về kế hoạch mở rộng thị trường thương mại điện tử trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sunhouse cho biết, ngoài thị trường Mỹ, doanh nghiệp sẽ tập trung vào thị trường Indonesia. Quốc gia Đông Nam Á này có nhiều lợi thế để xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử, do quy mô dân số gấp 3 lần Việt Nam, văn hóa tiêu dùng cũng có sự tương đồng với Việt Nam. Vị trí địa lý gần cũng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng chi phí logistics cho doanh nghiệp.