Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN |
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử eKYC đang lưu hành.
Theo ông Dũng, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code),...
Song song với phương thức truyền thống, các ngân hàng cũng tích cực triển khai giải pháp phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) gắn với những phương thức phi truyền thống.
Việt Nam là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, thu nhập ổn định, nhu cầu tiêu dùng chưa khai thác còn lớn, do đó, tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa là rất lớn.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành thẻ ngân hàng vật lý và phi vật lý bằng phương thức điện tử thông qua định danh điện tử (eKYC) nhanh chóng, an toàn, hiệu quả chi phí.
Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán tiện lợi và hiệu quả
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS cho rằng, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.
90% người dùng Việt Nam thích dịch vụ ngân hàng ảo
"Tính đến hết quý 2/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với năm ngoái. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2022. Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày", đại diện NAPAS thông tin.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS. |
Nói về một trong những phương thức thanh toán phổ biến, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank cho biết, thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán tiện lợi, an toàn và hiệu quả, ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn.
Theo số liệu của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến hết năm 2022, doanh số sử dụng thẻ đạt 3,545 triệu tỷ đồng, trong đó, doanh số sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ tăng 40% so với năm 2021.
“Những năm gần đầy, chúng ta cũng chứng kiến sự xuất hiện của những sản phẩm và dịch vụ thẻ mới, hiện đại và hết sức thuận tiện giúp thay đổi hành vi thanh toán của khách hàng theo định hướng không dùng tiền mặt, với sự tham gia của nhiều ngân hàng trên thị trường", bà Oanh cho biết.
Tại Vietcombank, trên 50% khách hàng trung cấp là khách hàng trẻ, gia đình. Với nhóm khách hàng này, ngân hàng tập trung xây dựng kế hoạch chiến lược, trải nghiệm người dùng trên kênh số của Vietcombank.
Vừa qua, ngân hàng này đã ban hành thẻ vật lý VCB Digicard, số hoá hoàn toàn, thực hiện đăng ký, sử dụng ngay trên ứng dụng VCB Digibank, tích hợp thẻ với thiết bị di động. Sau khi đăng ký trên ứng dụng, khách hàng có thể sử dụng thanh toán bằng thẻ phi vật lý trên ứng dụng.
Không riêng Vietcombank, các ngân hàng cũng đang chạy nước rút trong cuộc đua phát hành thẻ tại thị trường Việt Nam. Nhiều ngân hàng cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi để thu hút thêm khách hàng mở thẻ như tặng tiền, hoàn tiền, quà tặng hay giảm giá hóa đơn khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2023 bao gồm các sự kiện: Hội thảo Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai tổ chức ngày 26/9; Triển lãm Ngày Thẻ Việt Nam - Sóng festival được tổ chức tại Sân vận động Sư phạm - Hà Nội trong 3 ngày từ ngày 6-8/10. Sự kiện có 25 ngân hàng tham gia, nhiều đơn vị doanh nghiệp với hơn 100 gian hàng được trưng bày.