Dow Jones giảm hơn 200 điểm, ghi nhận tuần thứ 5 đi xuống liên tiếp

CHỨNG KHOÁN MỸ
09:28 - 12/03/2022
Dow Jones ghi nhận tuần lao dốc thứ 5 liên tiếp. Nguồn: CNBC.
Dow Jones ghi nhận tuần lao dốc thứ 5 liên tiếp. Nguồn: CNBC.
0:00 / 0:00
0:00
Dow Jones giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và khép lại tuần “đỏ lửa” thứ 5 liên tiếp do nhà đầu tư vẫn còn thận trọng về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số Dow Jones giảm 229,88 điểm còn 32.944,19 điểm, do đà rớt giá của Nike và Apple. Chỉ số S&P 500 rớt 1,3% còn 4.204,31 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm 2,2% còn 12.843,81 điểm.

Trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc đàm phán giữa Kremlin và Ukraine đã xuất hiện “một số chuyển biến tích cực nhất định”. Tuy nhiên, vấn đề đình chiến vẫn chưa được đưa ra đàm phán. Trong khi đó, theo các nguồn tin, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine đã đạt được “bước ngoặt chiến lược” trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi chấm dứt quy chế “Tối huệ quốc” với Nga. Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng thông qua dự luật tài trợ vốn, bao gồm 14 tỷ USD hỗ trợ Ukraine.

Đây là tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp của Dow Jones khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục tác động đến các thị trường tài chính. S&P 500 và Nasdaq cũng ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Phiên giao dịch ngày 11/3 đánh dấu tuần sụt giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số Dow Jones. Nguồn: CNBC.

Phiên giao dịch ngày 11/3 đánh dấu tuần sụt giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số Dow Jones. Nguồn: CNBC.

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones mất 2%, trong khi S&P giảm 2,9%, còn Nasdaq trượt 3,5%.

Tuy nhiên, trong ngày thứ Sáu, Bank of America cho rằng đà sụt giảm của thị trường chứng khoán bắt nguồn từ chiến tranh có thể đã chấm dứt.

“Đà sụt giảm 12% so với mức đỉnh của S&P 500 cho thấy đợt điều chỉnh này có thể đã kết thúc”, nhận định của Savita Subramanian – chiến lược gia cổ phiếu và định lượng tại Bank of America Securities. Ông cho rằng: “Thị trường nhìn chung đã chiết khấu các cú sốc địa chính trị, khi S&P 500 đã giảm 9% từ đỉnh xuống đáy kể từ khi các thông tin về Nga và Ukraine xuất hiện vào đầu tháng 2, tương tự mức giảm điển hình từ 7-8% trước các sự kiện vĩ mô/địa chính trị lớn”.

Đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán diễn ra trong bối cảnh năng lượng tiếp tục tăng giá. Hợp đồng dầu thô WTI tại Mỹ tăng 2,9% lên khoảng 109 USD/thùng, trong khi dầu hợp đồng dầu Brent tiến 2,9% lên khoảng 112 USD/thùng. Dù vậy, giá dầu thô đã rút khỏi các mức cao xác lập vào đầu tuần.

Các kim loại, trừ đồng, cũng giảm mạnh, hợp đồng bạch kim tương lai lao dốc 4% còn 2.803,50 USD/oz. Giá hàng hóa nông nghiệp diễn biến trái chiều trong khi lợi suất trái phiếu tăng nhẹ.

Các số liệu kinh tế công bố trong ngày thứ Sáu cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan giảm mạnh từ mức 62,8 điểm trong tháng 2 xuống 59,7 điểm trong tháng 3, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 9/2011.

“Thông tin niềm tin tiêu dùng giảm mạnh do các hộ gia đình lo sợ lạm phát tăng cao xuất hiện trong buổi sáng đã làm gia tăng mối lo lắng về đà giảm tốc của nền kinh tế Mỹ, thậm chí là một cuộc suy thoái”, Jim Paulsen, trưởng chiến lược gia đầu tư tại Leuthold Group cho biết.

Đà rớt giá của một số cổ phiếu công nghệ lớn đã khiến Nasdaq giảm điểm trong ngày thứ Sáu. Cổ phiếu Zoom Video rớt 5%, nâng tổng đà sụt giảm trong tuần qua lên gần 10%. Cổ phiếu Meta Platforms cũng hạ 3,9% và mất tổng cộng 6,2% trong tuần qua.

Tin liên quan

Đọc tiếp