Giá gạo Việt tăng cao, đi ngược chiều giảm của Thái Lan, Ấn Độ

Giá gạo Việt nAM
12:02 - 23/08/2023
Giá gạo Việt đang tăng cao. Ảnh: Đài Phát thanh Quảng Ngãi.
Giá gạo Việt đang tăng cao. Ảnh: Đài Phát thanh Quảng Ngãi.
0:00 / 0:00
0:00
Thông tin về tình hình thị trường lúa gạo thế giới tuần qua (từ 15-22/8), Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan, Ấn Độ đều giảm, riêng Việt Nam tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 618 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn so với tuần trước, do sắp bước vào vụ thu hoạch mới. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 453 USD/tấn, giảm 11 USD/tấn so với tuần trước, do các khách hàng châu Phi đang tìm kiếm giá thấp hơn và trì hoãn mua hàng.

Trái với gạo Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước tính đạt 660 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tuần trước, do nguồn cung thấp. Tuy nhiên, nhu cầu cũng thấp, giao dịch trầm lắng vì giá quá cao.

Nguồn: Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn.

Nguồn: Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ở Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa tại thị trường nội địa tiếp tục điều chỉnh tăng so với tuần trước.

Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa Jasmine (khô) trung bình ghi nhận đạt mức 7.400 VNĐ/kg, tăng 67 VNĐ/kg so với tuần trước; giá lúa IR50404 (khô) trung bình đạt 7.529 VNĐ/kg, tăng 100 VNĐ/kg so với tuần trước; giá lúa OM6976 (khô) trung bình đạt 7.950 VNĐ/kg, tăng 167 VNĐ/kg so với tuần trước.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo thế giới ở mức cao kỷ lục

Một số thông tin có tác động đến thị trường thế giới được Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn ghi nhận cho thấy, các nước đang có những biến động về sản xuất, dự trữ và nhập khẩu lúa gạo.

Cụ thể, Báo cáo triển vọng gạo tháng 8/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023 - 2024 được dự báo ở mức cao kỷ lục 520,9 triệu tấn, tăng 173.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước.

USDA nhận định, sản lượng gạo thế giới dự báo tăng ở các quốc gia như Nga, Uganda và Mỹ, trong khi dự báo giảm ở các quốc gia châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 ở mức 694,7 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với dự báo trước nhưng giảm gần 560.000 tấn so với niên vụ trước.

Tiêu dùng và tồn kho thế giới niên vụ 2023 - 2024 được dự báo ở mức 523 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với mức dự báo trong tháng 7/2023, nhưng tăng 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tiêu dùng và tồn kho niên vụ 2023 - 2024 của Ấn Độ được dự báo tăng 1 triệu tấn tới mức cao kỷ lục 115 triệu tấn.

Trong tháng 8, USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2023 và 2024 đều giảm so với dự báo trong tháng 7, lần lượt giảm 2 triệu tấn và 3,44 triệu tấn. Dự báo xuất khẩu giảm trong cả 2 năm là do Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo nonbasmati.

Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Liên đoàn lúa gạo Myanmar thống kê được quốc gia này đã xuất khẩu 58.334 tấn gạo và gạo tấm trong tháng 7/2023.

Myanmar đã xuất khẩu gạo tới 20 quốc gia bao gồm Philippines, Tây Ban Nha, Ba Lan, Trung Quốc, Bỉ, và Hà Lan. Trong niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 4/2022 -tháng 3/2023), quốc gia này đã xuất khẩu hơn 2,2 triệu tấn gạo và gạo tấm với trị giá 853,472 triệu USD.

Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết đã nhận được báo giá thấp hơn từ 30 USD - 40 USD mỗi tấn từ các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sau cuộc đàm phán mới nhất.

Bên cạnh đó, Philippines đang đàm phán với Ấn Độ để mua thêm gạo. Phía Philippines muốn Ấn Độ xuất khẩu gạo trên cơ sở nhân đạo. Điều này sẽ cho phép Philippines nhập khẩu thêm 300.000 tấn - 500.000 tấn gạo trong năm 2023. Việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Ấn Độ sẽ giúp giảm giá gạo trong nước và tăng dự trữ quốc gia.

Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, thị trường gạo toàn cầu có thể căng thẳng hơn nữa khi Trung Quốc vật lộn với mưa lớn và lũ lụt, làm giảm sản lượng và có khả năng gây áp lực tăng giá gạo toàn cầu vốn đã cao.

Cảnh báo lũ lụt đã được nâng lên đối với 3 tỉnh chiếm 23% sản lượng gạo của nước này gồm Nội Mông, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Nhiều khu vực sản xuất ngũ cốc quan trọng ở 3 tỉnh trên đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và hậu quả cơn bão Doksuri. Có khả năng khu vực này sẽ phải đối mặt với một trận lũ lụt khác khi bão Khanun di chuyển về phía bắc.

Về tình hình sản xuất trong nước, thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, ở vụ Thu - Đông 2023, diện tích xuống giống của TP Cần Thơ tăng 12% so với kế hoạch. Đồng Tháp cũng đã gieo sạ được gần 120.000 ha.

Sóc Trăng đang tập trung triển khai Dự án phát triển lúa đặc sản, giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu triển khai vùng nguyên liệu lúa đặc sản trong vùng dự án năm 2023 đạt 188.000 ha.

Ở vụ Mùa năm 2023, tỉnh Điện Biên gieo cấy trên 20.000 ha lúa. Vụ lúa Hè - Thu năm nay, toàn tỉnh Cà Mau xuống giống 35.244 ha, đạt 99,92% so kế hoạch, bằng 100% so cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp