Giá nguyên liệu công nghiệp tăng mạnh
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, cho thấy xu hướng tăng ổn định của giá nhiều mặt hàng quan trọng trong nhóm. Chốt tuần, ngoại trừ dầu cọ, 8 mặt hàng còn lại đồng loạt tăng mạnh.
Giá ca cao tăng vọt 12,87%, dẫn đầu đà tăng thị trường trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung toàn cầu vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Bông, đường, cao su, cà phê cũng đều đón nhận lực mua tích cực.
Giá bông kết thúc tuần tăng mạnh hơn 6% từ mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Doanh số bán hàng bông vụ 2023 -2024 của Mỹ tăng trở lại, phản ánh nhu cầu về bông đang có sự phục hồi. Trong báo cáo xuất khẩu bông hàng tuần kết thúc ngày 16/5, Mỹ bán 202.900 kiện bông, tăng lần lượt 30% và 19% so với tuần trước và mức trung bình 4 tuần gần nhất.
Thị trường cũng đang dần nhận thấy sự gia tăng nhu cầu về bông tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ và nhập khẩu bông lớn nhất thế giới.
Ảnh: MXV |
Thị trường cà phê nhanh chóng lấy lại đà tăng với Robusta tăng 10,6%, Arabica tăng 5,6%. Nguồn cung kém tích cực tại các quốc gia sản xuất chính đang gây tâm lý lo ngại thiếu hụt cà phê trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá tăng trở lại. Trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ 2024 lần thứ 2, công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) nâng dự sản lượng cà phê Robusta lên 58,8 triệu bao, tăng nhẹ so với mức 58,1 triệu bao trước đó.
Tuy vậy, CONAB đã hạ dự báo sản lượng cà phê Robusta của quốc này 600.000 bao, xuống còn 16,7 triệu bao trong báo cáo mới nhất.
Ngoài ra, thông tin từ nông dân Brazil cho biết, hoạt động thu hoạch cà phê Arabica của họ đang diễn ra khá chậm chạp và kích thước quả nhỏ có thể ảnh hưởng đến sản lượng năm nay.
Cùng với đó, StoneX ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Giới phân tích cho biết, biến đổi khí hậu khiến nguồn cung giảm tại Việt Nam.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần trước (25/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng thêm 1.500 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 114.500 – 116.000 đồng/kg. So với 1 tuần trước đó, giá cà phê nội địa đã tăng mạnh khoảng 12.000 đồng/kg.
Giá lúa mì nhảy vọt
Giá lúa mì dẫn dắt đà tăng trong nhóm nông sản khi nhảy vọt hơn 7%, chạm mốc cao nhất kể từ giữa tháng 8/2023. Mối lo ngại về triển vọng mùa vụ kém tích cực tại các nước sản xuất lớn vẫn là yếu tố giúp nâng đỡ giá trong tuần qua.
Ảnh: MXV |
Theo Bộ Nông nghiệp Nga, ước tính đến nay đã có khoảng 900.000 ha diện tích ngũ cốc tại quốc gia xuất khẩu hàng đầu này đã bị thiệt hại bởi sương giá vào đầu tháng 5. Trước đó, 8 khu vực sản xuất chính cũng đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về sương giá trên diện rộng, đẩy mối ngại về nguồn cung thắt chặt hơn lên cao.
Rủi ro nguồn cung tại khu vực Biển Đen đã khiến Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2024 - 2025 xuống còn 795 triệu tấn. Theo đó, sản lượng lúa mì tại Nga và Ukraine dự kiến giảm xuống 85,5 và 23,7 triệu tấn, từ mức 90,4 và 24,5 triệu tấn được đưa ra trước đó. Lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá lúa mì quay trở lại xu hướng và ghi nhận tuần tăng thứ 5 trong vòng 6 tuần vừa qua.
Theo MXV, tuần này dự báo sẽ là một tuần rất sôi động của thị trường nông sản. Các Sở Giao dịch tại Mỹ phần lớn sẽ đóng cửa nghỉ lễ trong hôm nay (27/5), và khi mở cửa trở lại từ ngày mai, nhóm nông sản có thể sẽ đón nhận lực mua mạnh, bởi tình trạng thu hoạch chậm trễ ở Brazil có thể ảnh hưởng tới nguồn cung trong giai đoạn giữa năm, giai đoạn mà nhu cầu nhập khẩu từ các nước Đông Á và Đông Nam Á thường rất lớn.
Đây là điều các nhà máy thức ăn chăn nuôi cần phải đặc biệt lưu ý, bởi việc mua hàng của Nam Mỹ hay Mỹ sẽ không chỉ phụ thuộc vào giá, mà còn phụ thuộc vào thời gian hàng về để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.