Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024 sẽ được Sở phối hợp với Huyện ủy - UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức vào sáng 12/6 tới.
Đây là năm thứ ba liên tiếp sự kiện này được tổ chức. Địa điểm diễn ra tại vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.
Tại lễ hội năm nay sẽ diễn ra ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; tổ chức thi nấu mâm cơm đặc sản hữu cơ; tổ chức hội thi gặt lúa; cắt băng xuất bán lúa hữu cơ bãi rươi…
Các sản phẩm hữu cơ, nông đặc sản, sản phẩm OCOP của huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương trưng bày, giới thiệu tại lễ hội. Ảnh tư liệu. |
Đây cũng là dịp giới thiệu tiềm năng, lợi thế và chính sách khuyến khích, ưu đãi của huyện Tứ Kỳ trong thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm…
8 vùng khai thác rươi, cáy kết hợp trồng lúa hữu cơ
Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết, huyện có hệ thống giao thông đường bộ, đường sông thông suốt, đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong vùng, trong huyện. Toàn huyện có 9.236,7 ha đất nông nghiệp, chiếm 55,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Đã hình thành 237 vùng sản xuất lúa, vùng trồng chuối và cây rau màu tập trung, diện tích gần 3.000 ha; 62 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, diện tích 1.248 ha; 8 vùng khai thác thủy đặc sản rươi, cáy kết hợp với trồng lúa hữu cơ diện tích 550 ha.
Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện ngày càng được quan tâm và mở rộng (khoảng 800 ha lúa, 120 ha rau màu được ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã; 500 ha lúa, 200 ha rau màu được hợp đồng với thương lái trước khi sản xuất, có đầu ra ổn định), người dân yên tâm sản xuất và có lợi nhuận tương đối cao.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện với 35.000 m2 nhà màng, nhà lưới phục vụ trồng các loại rau, dưa lưới, dưa chuột và nấm, cho hiệu quả cao hơn từ 50 - 70% so với canh tác thông thường, các địa phương đã đăng ký mở rộng thêm 10.000 m2 trong năm 2024.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp sự kiện này được tổ chức. Ảnh tư liệu. |
Vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ khai thác rươi, cáy là vùng đất bãi ven sông Thái Bình và sông Luộc thuộc huyện Tứ Kỳ (tại địa phận các xã Bình Lãng, Chí Minh, An Thanh, Quang Trung, Hà Thanh...). Đây là những vùng bãi có diện tích trên 370 ha, nằm phía ngoài đê và là vùng bãi triều (nước lên xuống theo thủy triều). Đất ở đây hàng năm được bồi đắp bởi phù sa của sông Thái Bình và sông Luộc nên rất màu mỡ và có nhiều dinh dưỡng cho cây lúa, rau màu, cây ăn quả; độ mặn của nước trong khoảng 0,3% - 0,5%, phù hợp cho sự phát triển của con rươi, con cáy.
Đến nay, tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của toàn huyện lên 550 ha. Sản lượng rươi đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm, lúa 3.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 - 10 lần so với thâm canh vô cơ.
Hiện toàn huyện có 34 sản phẩm được chứng nhận OCOP; bao gồm 7 sản phẩm OCOP 4 sao và 27 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó có 12 sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi Hải Nam, mọc rươi Hải Nam, niêu rươi đốt Hà Tiến, chả rươi Hà Tiến, nem rươi Hà Tiến, rươi cấp đông Hà Tiến, rươi đốt Tuấn Viên, chả rươi Tuấn Viên, gạo bãi rươi An Thanh và gạo nếp cái hoa vàng Quang Trung.
Dự kiến có hơn 200 đại biểu khách mời Trung ương và địa phương tham dự sự kiện. Ảnh tư liệu minh họa. |
An Thanh - vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh
Tại huyện Tứ Kỳ, xã An Thanh được biết đến là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp là 627,84 ha. Địa bàn xã có nhiều ao hồ, sông rạch xen lẫn các điểm dân cư và ruộng canh tác, ngành nghề chủ yếu làm nông nghiệp, người dân An Thanh cần cù, chịu khó.
Xã An Thanh có diện tích bãi ngoài đê rộng 137 ha, được bồi đắp bởi sông Thái Bình. Với môi trường nước lợ đặc trưng, ngoài tôm cá, thiên nhiên còn ưu đãi cho nơi đây thủy đặc sản mà không phải nơi nào cũng có được đó là sản phẩm rươi, cáy. Phát huy những lợi thế sẵn có, xã đã quy hoạch 214 ha vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác con đặc sản rươi, cáy; quy hoạch các khu giới thiệu sản phẩm của địa phương, khu đỗ xe và nghỉ dưỡng để du khách tham quan các di tích lịch sử như chùa, đình...
Phần hội thi gặt lúa tại lễ hội diễn ra sôi nổi và hào hứng. Ảnh tư liệu. |
Năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017), với các sản phẩm được chứng nhận gồm có lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 5 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 1 ha. Sản lượng dự kiến đạt được, trong đó lúa 450 tấn/năm, chuối 415 tấn/năm, mít 100 tấn/năm, rau ăn lá 15 tấn/năm, rau gia vị 7 tấn/năm... Giá trị sản xuất ước đạt 400 - 600 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh Hải Dương.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, huyện Tứ Kỳ tiếp tục thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy trong đồng tại các xã An Thanh, Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Hà Thanh... Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải tạo xong 340 ha và tiến tới chứng nhận hữu cơ cho diện tích này, nâng diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy đạt 700 ha vào năm 2025 và 1.000 ha vào năm 2030.