Ảnh: CTTĐT tỉnh Cà Mau |
Mục đích triển khai Kế hoạch nhằm tăng cường hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu, định hướng đầu tư, phát triển thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư, ký kết hợp tác; góp phần cải thiện, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo đó, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thu hút dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư, bao gồm công nghiệp cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, năng lượng tái tạo định hướng xuất khẩu...
Tỉnh ưu tiên các dự án sản xuất tinh chế, sản phẩm sử dụng ngay, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, tăng hàm lượng giá trị gia tăng; kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Cà Mau cũng sẽ tăng cường các giải pháp thu hút dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, mở ra không gian phát triển mới
Xuất khẩu tôm dự kiến mang về hơn 4 tỷ USD trong năm 2024
Theo Kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định thành lập các cụm công nghiệp, thu hút dự án đầu tư.
Đồng thời, Cà Mau sẽ thực hiện Đề án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị chuyển vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020 - 2030.
Căn cứ từ chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch hàng năm, tỉnh Cà Mau sẽ xác định lĩnh vực, nhà đầu tư tiềm năng cần tiếp xúc, mời gọi đầu tư. Tỉnh tập trung thu hút các đối tác nước ngoài, tiếp tục triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư đã ký kết; tăng cường trao đổi thông tin, tiến đến ký kết thêm các quan hệ hợp tác nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh với đối tác tiềm năng, nhà đầu tư nước ngoài.
Cà Mau tăng cường phát triển các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, triển khai các mô hình thí điểm, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đầu tư, doanh nghiệp; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường phối hợp, tranh thủ các nguồn lực; tăng cường hợp tác, liên kết vùng…
Tỉnh Cà Mau cũng vừa phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh. Phương án nêu rõ, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh.
Đến năm 2030, Cà Mau muốn hình thành 5 vùng nuôi tôm siêu thâm canh do doanh nghiệp đầu tư như vùng nuôi tôm siêu thâm canh Tân Thuận (huyện Đầm Dơi với 141 ha); khu nuôi tôm siêu thâm canh Tân Dân (huyện Đầm Dơi với 40 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khu Kinh tế Năm Căn (huyện Năm Căn với 2.000 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Phong Điền (huyện Trần Văn Thời với 400 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời với 299,15 ha).
Cà Mau dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển tôm đến năm 2030 của tỉnh là khoảng 20.000 tỷ đồng (vốn ngân sách đạt 4.050 tỷ đồng, vốn từ các thành phần kinh tế khác đạt 15.950 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, vốn đầu tư là 11.670 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 8.330 tỷ đồng.