Giảm nghèo bền vững: Nên tách bạch mục tiêu cho từng chính sách

KINH TẾ QUỐC GIA
20:28 - 30/10/2023
 Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững, cách tiếp cận chính sách hỗ trợ sản xuất đã có sự thay đổi, từ chỗ hỗ trợ cho người dân "con cá" chuyển sang hỗ trợ "cần câu".

Tham gia ý kiến tại Nghị trường ngày 30/10 về mục tiêu chính sách của Chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu, mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.

Trong khi đó, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân nghèo khác nhau như nghèo do không có vốn, không có đất canh tác, do già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động, do thiếu kiến thức, kỹ năng lao động, do không chăm chỉ.

"Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế", đại biểu Dung nói.

Theo đại biểu đoàn Hải Dương, chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất. Còn chính sách an sinh xã hội, trợ giúp hộ đói, hộ nghèo nên hướng tới các đối tượng là người già, người yếu thế không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng nằm trong các hộ không có khả năng mở rộng sản xuất.

"Việc tách bạch mục tiêu này sẽ giúp phát huy toàn diện mọi mặt của từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo", đại biểu Dung nói.

Đại biểu cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững, nguyên tắc "cho con cá và cho cần câu" phải được cân nhắc áp dụng phù hợp cho từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm. Bà Dung nêu ý kiến, các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay quan trọng nhưng không nên làm đại trà trong một thời gian dài.

Đồng thời, phải tập trung hỗ trợ cần câu cho những người biết câu, chuyển từ hình thức cho không là chủ yếu sang cho vay.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đề nghị nâng mức hỗ trợ xây nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số

Góp ý về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do thiếu quỹ đất.

Theo đại biểu, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng...để dành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào nhằm ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Riêng hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với hộ chưa được cấp đất sản xuất, ông Minh nêu thực tế thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do mức hỗ trợ thấp, chỉ 9-10 triệu đồng/người và hướng dẫn nội dung hỗ trợ còn chưa rõ ràng.

Cụ thể, trong hỗ trợ xây dựng nhà ở, quy định nêu rõ vốn hỗ trợ từ nguồn Trung ương là 40 triệu đồng và địa phương đối ứng tối thiểu 10%, trong khi phải đợi đáp ứng đủ 4 tiêu chí là diện tích 30m2 và cứng tường sử dụng 20 năm, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào và thi công ở miền núi.

"Những năm qua, chúng ta hỗ trợ làm rất nhiều nhà cho các đối tượng khó khăn, những hộ nào có đối ứng được thì đa số đã được làm, còn lại những hộ khó, trong khi giá thành để xây dựng nhà như tiêu chí, tối thiểu phải là 120 triệu.

Chương trình có ưu đãi vay vốn, song những hộ này quá khó khăn, có tâm lý dù lãi suất ưu đãi đến mấy, thời gian có kéo dài thì vay cũng phải trả và có vay ở mức tối đa cũng không đủ để làm. Vì vậy, cần phải nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi", đại biểu đề xuất.

Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ nên là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chia sẻ về việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Theo đại biểu mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng đã dành nguồn ngân sách rất lớn cho 3 chương trình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần phải nhìn nhận lại câu chuyện về lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn.

Trong đó, cần phải quan niệm rằng, vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu tập trung vào những vấn đề có trọng tâm trọng điểm đang bức xúc cần thiết nhất.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Do vậy, cần có khâu xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, sự tham gia của người dân, hướng đến sự chuyển biến thực chất trong đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.