Giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết bị hủy, ai là người thiệt hại nhất?

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
15:13 - 12/01/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, đồng thời hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán ra 74,8 triệu cổ phiếu của ông này. Vậy với quyết định này, bên nào sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất?

Như Mekong Asean đã đưa tin, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1/2022, thời hạn kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.

Trao đổi thêm về vấn đề này với truyền thông, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định không chỉ bị hủy bán toàn bộ số cổ phiếu FLC hôm 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết mà Chủ tịch FLC còn bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tối đa, có thể thêm chế tài bổ sung.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ xử lý thật nghiêm, quyết liệt và triệt để theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự.

"Không thể để sai phạm xảy ra rồi cơ quan chức năng mới đi xử phạt. Quan điểm là trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép những người bị hạn chế giao dịch được tự do giao dịch bình thường. Như vậy những sai phạm bán chui cổ phiếu sẽ được giải quyết căn bản, không phát sinh", ông Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Động thái kịp thời, quyết liệt của nhà chức trách đã nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận. Tuy nhiên các bên liên quan đến vụ việc này như công ty chứng khoán, nhà đầu tư vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng. Vậy ai là người phải chịu thiệt hại nhiều nhất?

Nhà đầu tư có được bồi thường chênh lệch giá khi mua FLC trong phiên 10/1?

Nhà đầu tư có được bồi thường chênh lệch giá khi mua FLC trong phiên 10/1?

Theo thông tin từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hiện cơ quan này đang phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cùng các công ty chứng khoán lọc các giao dịch mua đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết, để huỷ và trả lại tiền cho nhà đầu tư. Theo đó, phiên giao dịch 10/1 có tới 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh cho nên ngoài lô cổ phiếu 74,8 triệu đơn vị thì có những lệnh mua bán bình thường, vì thị trường thuận mua vừa bán.

Ngoài vấn đề xử phạt, nhiều ý kiến còn cho rằng vụ FLC cần điều tra sâu hơn liên quan đến việc thao túng cổ phiếu. Thực tế, cổ phiếu họ FLC thời gian qua được nhà đầu tư rất quan tâm vì xuất hiện nhiều thông tin lôi kéo.

Trên mạng, có tới 9 - 10 nhóm cùng "đánh" cổ phiếu FLC, cao điểm hô hào mua bán diễn ra vào cuối tuần trước và buổi sáng phiên 10/1. Những người đứng đầu các nhóm này tung ra các tin hot như ông Quyết "sẽ đánh" cổ phiếu lên giá 5x để phát hành thêm 400 triệu cổ phiếu mới, để chuẩn bị niêm yết FLC Homes, niêm yết Hãng hàng không Bamboo... hay FLC có quỹ đất lớn hàng nghìn héc-ta.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là có hay không việc thao túng giá cổ phiếu? Không chỉ FLC mà còn hàng loạt các mã tăng vọt thời gian gần đây trong khi tình hình doanh nghiệp không có gì đặc biệt, thậm chí làm ăn bết bát.

Việc thực hiện hủy giao dịch không có gì khó khăn do giao dịch mới được xác lập nhưng chưa hoàn tất thanh toán bù trừ. Cơ chế áp dụng cho giao dịch chứng khoán hiện tại là T+2, tức là một giao dịch mua cổ phiếu FLC thực hiện vào phiên 10/1 thì tới 16h30 của ngày 12/1, giao dịch mới hoàn tất, cổ phiếu mới thực sự về tài khoản người mua.

Như vậy, nhà đầu tư đã khớp lệnh đối ứng với ông Quyết hôm 10/1 sẽ không bị thiệt hại, thậm chí có lợi bởi không phải chịu lỗ. Tính đến phiên sáng nay (12/1), FLC đã rơi mất hơn 21% thị giá. Trong khi đó, những nhà đầu tư không khớp đối ứng với 74,8 triệu cổ phiếu này mà khớp với những lệnh bán ra khác lại không được hoàn tiền. Họ phải thấp thỏm lo lắng vì từng ngày chứng kiến tài sản của mình bị hao hụt.

Ngoài ra, một bên cũng bị thiệt hại lớn là các công ty chứng khoán. Bởi một giao dịch bình thường sẽ mang lại cho họ phí mua bán 0,1-0,35%. Trong khi đó, tổng giá trị bán của ông Quyết trong phiên 10/1 có thể đạt hơn 1.400 tỷ nếu tính theo giá trung bình, hoặc 1.800 tỷ đồng nếu tính theo mức giá trần. Với con số này, các công ty chứng khoán có thể thu về hơn 6 tỷ đồng.

Việc hủy giao dịch với một trường hợp không công bố thông tin là điều chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên thực tế, nội dung này đã được quy định trong Quy chế hoạt động của HoSE. Theo Khoản 2, Điều 22 của quy chế này, trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, Sở có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo Ủy ban chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), việc ông Quyết bán “chui” cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch hôm 10/1 không chỉ khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC bị thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Vì vậy ông Hải đề xuất ngoài xử phạt theo quy định, Chủ tịch FLC phải bồi thường chênh lệch giá cho những nhà đầu tư mua hôm đó.

Tin liên quan

Đọc tiếp