Giữa căng thẳng Ukraine, Trung Quốc dỡ hạn chế nhập khẩu lúa mì với Nga

LÚA MÌ TRUNG QUỐC
20:57 - 25/02/2022
Giữa căng thẳng Ukraine, Trung Quốc dỡ hạn chế nhập khẩu lúa mì với Nga
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh chiến sự Ukraine-Nga leo thang và Moscow đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề từ Mỹ và phương Tây, Trung Quốc có động thái tuyên bố dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu lúa mì đối với Nga.

Theo đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành thông báo cho phép nhập khẩu lúa mì Nga kể từ ngày 24/2, chỉ vài giờ sau khi quân đội Nga tiến hành chiến dịch trên diện rộng vào Ukraine. Tuy nhiên, đây được cho là thỏa thuận mà Nga và Trung Quốc đã đạt được từ cuộc gặp hồi tháng trước của hai nhà lãnh đạo khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh tham dự khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2022.

Là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Nga đã xuất khẩu được hơn 30 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2021. Theo dữ liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Nga, số lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2021 là 3,5 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Nga.

Cụ thể, trước đó, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga do lo ngại về kiểm dịch thực vật. Tuy vậy, trong tuyên bố mới nhất của hải quan Trung Quốc, Nga đã cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp để giảm thiểu rủi ro cây nhiễm bệnh nên lệnh hạn chế được Bắc Kinh dỡ bỏ.

Quyết định được đưa ra thời điểm này được giới quan sát coi là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ song phương Trung Quốc – Nga đang được tăng cường, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine thu hút sự chú ý của toàn cầu và các lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với Moscow.

Đặc biệt, cho tới nay, Trung Quốc là chính phủ lớn duy nhất từ ​​chối lên án hành động quân sự của Nga vào Ukraine. Trong khi hầu hết các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc chỉ trích Moscow leo thang căng thẳng với Ukraine, đại sứ Trung Quốc lại thận trọng không đề cập đến Nga.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nga và là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Nga. Hai nước mới đây đã cam kết phát triển cấu trúc tài chính chung để tạo điều kiện cho hai quốc gia tăng cường quan hệ kinh tế mà không có sự can thiệp của nước thứ ba.

Trong khi đó, Nga hiện là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc, đứng thứ hai về cung cấp dầu thô. Trung Quốc cũng là đối tác hàng đầu khi là nước rót vốn chủ yếu cho các dự án năng lượng lớn của Nga, nổi bật là nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) Yamal ở Bắc Cực và tuyến đường ống khí đốt Power of Siberia.

Theo nhật báo South China Morning Post (SCMP), lập trường của Trung Quốc, được cho là có thể cung cấp huyết mạch cho nền kinh tế Nga.

Cùng việc nâng tầm quan hệ song phương lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã ký kết hơn 10 thỏa thuận vào đầu tháng này. Trong số đó có việc cung cấp thêm 100 triệu tấn dầu thô từ công ty Rosneft Oil, cũng như thỏa thuận cung cấp khí đốt mới với Gazprom.

SCMP dẫn lời ông Lu Xiang - thành viên cấp cao của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - ước tính rằng Trung Quốc có thể trở thành điểm đến lớn nhất của xuất khẩu năng lượng của Nga. “Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga duy trì nền kinh tế của mình. Và trong giai đoạn này sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách duy trì các cuộc đối thoại với châu Âu" - ông Lu bình luận.

Năng lượng hiện là lĩnh vực chính cho hợp tác Trung-Nga. Nga là nguồn nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Saudi Arabia, với lượng nhập khẩu đạt 72,4 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2021.

So với năm 2020, thương mại Trung-Nga trong năm 2021 đã tăng 35,8% lên mức cao kỷ lục 146,9 tỉ USD, hơn một phần ba trong số đó liên quan năng lượng. Hai nước đã đặt mục tiêu thúc đẩy thương mại lên 250 tỉ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, khi được hỏi liệu Trung Quốc có kế hoạch tăng hoặc cắt giảm thương mại với Nga hay Ukraine không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hoa Xuân Oánh – cho biết Bắc Kinh sẽ tiến hành hợp tác thương mại bình thường với Moscow và Kiev dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.

Tin liên quan

Đọc tiếp