Gói phục hồi kinh tế - xã hội: 'Thủ tục không nhanh thì không làm được gì cả'

KINH TẾ QUỐC HỘI
11:47 - 25/05/2022
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai
0:00 / 0:00
0:00
Đã gần 5 tháng kể từ khi Quốc hội thông qua, việc triển khai chương trình phục hồi là quá chậm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Đoàn Thị Thanh Mai lo lắng nếu gói phục hồi chỉ làm trong 2 năm 2022 - 2023, mà thủ tục không nhanh thì không làm được gì cả.

Trong phiên họp sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, bày tỏ lo lắng trong việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Đây là một trong những chương trình kích thích kinh tế với quy mô lớn nhất lịch sử (347.000 tỷ đồng), với kỳ vọng triển khai trong 2 năm (2022 - 2023) để kéo tăng trưởng GDP thêm 2%.

Theo đại biểu Mai, tính đến nay là đã gần 5 tháng kể từ khi Quốc hội thông qua, Chính phủ vẫn chưa thể trình danh mục các dự án trong chương trình phục hồi là quá chậm. “Quốc hội đã phải họp kỳ họp bất thường vào tháng 11/2021 để kỳ vọng tháng 1/2022 có danh mục, nhưng đến nay chưa có. Nếu gói phục hồi chỉ làm trong 2 năm 2022 - 2023 mà thủ tục không nhanh thì không làm được gì cả”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo thẩm tra về chương trình này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, các bộ, cơ quan và địa phương đang khẩn trương, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan trung ương theo nghị quyết của Chính phủ mới đang dừng lại ở việc rà soát, hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến. Tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện chương trình còn chậm, đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế.

Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, Quốc hội đã cho phép bổ sung 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Nghị quyết số 43 đã được Quốc hội ban hành từ ngày 11/1/2022, nhưng đến nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra.

Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Có ý kiến cho rằng, việc trang bị máy tính bảng theo chương trình "Sóng và máy tính cho em" nếu không khẩn trương thực hiện sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi học sinh các cấp đã được đến trường.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022 được đánh giá là chính sách đột phá, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%.

Tuy nhiên, theo phản ánh, thực tế triển khai còn những vướng mắc trong việc rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế GTGT, cũng như việc xuất hóa đơn thuế GTGT. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp và tập huấn cho cán bộ thuế ở cơ sở để chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36% kế hoạch được giao, thấp hơn mức 17,04% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề; giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 4,4% kế hoạch. Theo báo cáo của Chính phủ, một số bộ, ngành chưa phân bổ hết số vốn được giao, chưa triển khai giải ngân kế hoạch vốn, cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Đọc tiếp