Ảnh minh họa. |
Đối với ga đường sắt Sóng Thần (Bình Dương), theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do đã trải qua nhiều năm khai thác, các hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt tại khu vực ga như công trình đường sắt, kho hàng, bãi hàng, hệ thống thoát nước… đã dần xuống cấp, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt trong khu vực.
Trong khi đó, với vai trò là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam, ga Sóng Thần là ga đầu mối đường sắt gồm các tác nghiệp chính là đón gửi, giải thể lập tàu hàng, tổ chức xếp dỡ hàng hóa đi - đến cho toàn bộ khu vực các tỉnh phía Nam đồng thời ga cũng là một trong 6 ga liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc và ngược lại.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đường sắt liên tuyến, liên tỉnh liên vận tại ga Sóng Thần, đồng thời phục vụ nhu cầu kết nối khai thác vận tải đa phương thức trong thời gian tới với Trung tâm logistics và kho bãi ngoại quan của Khu công nghiệp Sóng Thần, VNR đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét tiếp tục nâng cấp, cải tạo khu vực ga Sóng Thần theo hướng đầu tư những hạng mục công trình trước đây đã được phê duyệt tại Quyết định 555 nhưng bị điều chỉnh, chưa đầu tư do hạn chế về nguồn vốn giai đoạn vừa qua.
Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, cải tạo đồng bộ kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực ga Sóng Thần phù hợp với quy mô đầu tư giai đoạn 2 trong nghiên cứu trước đây của Tư vấn lập Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.
Cụ thể, tại khu vực bãi hàng Sóng Thần, VNR kiến nghị nâng cấp cải tạo các đường xếp dỡ và các bãi hàng hiện tại; Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ nội bộ; xây dựng bổ sung thêm 1 bãi hàng 2.005 m2...
Đối với bãi hàng An Bình, VNR kiến nghị đặt mới 1 đường xếp dỡ dài 337m; Xây dựng, cải tạo bổ sung thêm 1 bãi hàng diện tích 7.126 m2; Xây dựng khu duy tu, sửa chữa, bãi tập kết xe container, bãi rửa vỏ container và khu xếp dỡ hàng lạnh; Xây dựng kho lạnh, kho hàng 2.500 m2; Xây dựng khu vực nhà chức năng và các các hạng mục đồng bộ khác. Tổng mức đầu tư cho các hạng mục nói trên dự kiến là 150 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Với ga Cao Xá, đây là ga đường sắt có tiềm năng lớn để thực hiện vận tải liên vận quốc tế đi Trung Quốc và các nước khác qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng. Bằng con đường này, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương có thể dễ dàng xuất khẩu đi Trung Quốc và các nước Châu Âu, Trung Á.
Mặc dù được đặt vị trí đắc địa nhưng hiện nay, lượng hàng thông qua ga Cao Xá rất thấp. Gần đây nhất là năm 2022, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 5.056 tấn, còn 5 tháng đầu năm 2023 là 2.608 tấn.
Do đó, VNR đã đề xuất Bộ GTVT xem xét đầu tư nâng cấp cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế đường sắt.
Theo đề xuất của VNR thì sẽ thực hiện cải tạo đường số 3 thành đường đón gửi và lưu chứa xe có chiều dài khoảng 600m; Xây dựng mới một đường xếp dỡ dài khoảng 250m; Xây dựng mới một nhà văn phòng, dịch vụ hải quan, kho hàng bãi hàng... Tổng vốn đầu tư để thực hiện những hạng mục này vào khoảng 61 tỷ đồng.
Tiếp đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoàn thiện tổ hợp khu ga Cao Xá giai đoạn tiếp theo với tổng mức đầu tư dự 234 tỷ đồng.
Trước đó, VNR đã có buổi làm việc với Hải Dương và đề nghị tỉnh này ưu tiên quỹ đất để nâng cấp, mở rộng ga Cao Xá đạt chuẩn ga liên vận quốc tế, mở điểm kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa tại ga và nghiên cứu đưa ga Cao Xá vào quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics của địa phương.
Tại buổi làm việc, VNR cũng đã đề xuất hai tuyến vận chuyển khi ga Cao Xá được phép khai thác hoạt động liên vận quốc tế.
Tuyến 1: Ga liên vận quốc tế Cao Xá (Hải Dương) - Ga liên vận quốc tế Yên Viên - Ga liên vận quốc tế Kép (Bắc Giang) - Ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Ga Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Từ đây đi sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU...
Tuyến 2: Ga liên vận quốc tế Cao Xá (Hải Dương) - Ga liên vận quốc tế Lào Cai - Ga Sơn Yêu (Hà Khẩu bắc - Vân Nam), từ đây chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc.