Hậu Covid-19, Airbus và Boeing tập trung vào thị trường châu Á

Hàng KHông CHÂU Á
16:12 - 08/03/2022
Mẫu máy bay Airbus A350F được Airbus ra mắt tại Triển lãm Hàng không Singapore Airshow 2022. Ảnh: Airbus
Mẫu máy bay Airbus A350F được Airbus ra mắt tại Triển lãm Hàng không Singapore Airshow 2022. Ảnh: Airbus
0:00 / 0:00
0:00
Các hãng sản xuất máy bay dự báo thị trường châu Á - Thái Bình Dương đang trong tiến trình phục hồi và sẽ bùng nổ nhu cầu sau khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà vận chuyển hàng không gồm các hãng Việt Nam cũng đang có nhu cầu đơn hàng cao. 

Tại Triển lãm Hàng không Singapore Airshow 2022 vào tháng trước, hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing đã mang đến nhiều mẫu máy bay nổi bật nhằm thu hút sự chú ý của các đơn vị hàng không.

Với mục tiêu nắm bắt xu thế bùng nổ đường bay sau đại dịch, Boeing lần đầu tiên trưng bày một nguyên mẫu của máy bay phản lực thân rộng 777X hiện đại nhất ở châu Á tại triển lãm. Mặc dù 777X không có đơn đặt hàng nào trong thời gian diễn ra triển lãm, nhưng hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam đã ký thỏa thuận động cơ trị giá 60 triệu USD với SR Technics (Tập đoàn dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành) và thảo luận mua Boeing777X.

Trước đó, Bamboo Airways cũng đã đặt hàng 12 chiếc 777X vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, sự bùng nổ của đại dịch đã buộc hãng hàng không phải gác lại những kế hoạch mở rộng phương tiện bay.

Bamboo Airways và Boeing đã làm việc sơ bộ và thảo luận về dòng máy bay mới Boeing 777X. Ảnh: Bamboo Airways
Bamboo Airways và Boeing đã làm việc sơ bộ và thảo luận về dòng máy bay mới Boeing 777X. Ảnh: Bamboo Airways

Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus gần đây cũng cho biết đã hoàn tất thỏa thuận bán 7 máy bay chở hàng A350F cho Singapore Airlines trong Triển lãm Hàng không, đồng thời hoàn thiện hợp đồng bất thường sửa đổi một phần thỏa thuận trước đó về việc cung cấp 17 máy bay phản lực chở khách.

Airbus và Singapore Airlines đã ký kết thỏa thuận của họ tại một buổi lễ ký kết được tổ chức vào giữa tháng 2. Hãng sẽ thay thế một đội vận tải hàng không Boeing đã cũ với trung bình 18 năm phục vụ. 7 chiếc A350F mới sẽ cải thiện khả năng vận hành và tiết kiệm nhiên liệu.

Singapore Airlines là hãng hàng không lớn đầu tiên mua A350F từ Airbus. Nhà sản xuất châu Âu trước đó đã bán mẫu máy bay này cho một công ty cho thuê. Theo một báo cáo của Reuters, 17 chiếc máy bay chở khách trong hợp đồng ban đầu có tổng chi phí là 2,3 tỷ USD. Hai bên đã ký một thỏa thuận sơ bộ vào tháng 12 năm ngoái. Thỏa thuận cuối cùng bao gồm các tùy chọn mua thêm năm chiếc A350F. Airbus sẽ bắt đầu giao máy bay vào tháng 10/2025.

Theo Giám đốc thương mại của Airbus Christian Scherer: “Đó là một hợp đồng to lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi dự kiến ​​sẽ thấy ít nhất 100 hoặc hơn 100 chuyên cơ vận tải mới trong loại (thân rộng) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai. Tôi tin rằng con số này còn khiêm tốn".

Ông Scherer cho biết, Airbus dự đoán mô hình này sẽ tạo ra nhu cầu mạnh mẽ trong khu vực trong 20 năm tới. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường toàn cầu trong những thập kỷ tới. Theo ước tính của Airbus, nhu cầu trong khu vực sẽ đạt tổng cộng 17.600 máy bay vào năm 2040, chiếm 45% tổng số máy bay trên toàn thế giới. Trong cùng thời kỳ, lưu lượng hành khách sẽ tăng 5,3% một năm, vượt qua cả tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,9%.

Cùng chung quan điểm, ông Stan Deal, Giám đốc điều hành bộ phận máy bay thương mại của Boeing cho biết nhu cầu về máy bay chở khách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gia tăng. Đồng thời, ông Deal bày tỏ mong muốn tăng cường các cuộc đàm phán kinh doanh với hãng hàng không các nước.

"Vấn đề lúc này chỉ còn là thời gian, trước khi các hãng bay châu Á phục hồi hoàn toàn. Chúng tôi quan tâm và mong muốn thảo luận nhiều hơn với khách hàng trong khu vực này. Ban đầu chúng tôi sẽ tập trung vào phạm vi hẹp hơn", phía Boeing cho biết.

Hiện tại, các hãng hàng không vận chuyển hành khách châu Á phục hồi chậm hơn so với các hãng hàng không phương Tây, do nhiều chính phủ trong khu vực đã hạn chế chặt chẽ việc đi lại. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nhu cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với các chuyến bay quốc tế giảm 93,2% vào năm 2020, so với khoảng 70% ở các nơi khác.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia đã bắt đầu cho phép nhập cảnh miễn cách ly đối với những du khách đã tiêm phòng. "Việc nối lại các tuyến đường hàng không Châu Á - Thái Bình Dương vẫn bị tụt hậu một chút do sự gián đoạn gây ra bởi dịch Covid-19, nhưng dấu hiệu phục hồi là đủ chắc chắn", ông Scherer nhận xét.

Tin liên quan

Đọc tiếp