Hầu hết các ngân hàng báo "lãi đậm" quý III/2021

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:56 - 17/10/2021
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Trên thực tế kết quả kinh doanh quý III/2021 đã công bố của một số ngân hàng trong tuần qua và theo dự báo, hầu hết các ngân hàng đều có khả năng đạt lợi nhận trước thuế ở mức cao, duy nhất có VIB được dự báo tăng trưởng âm.

Tuần qua, đã có một số ngân hàng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021.

Trước đó, nhiều dự báo đã đưa ra, lợi nhuận của các nhà băng trong quý sẽ tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng phải giảm mạnh lãi suất cho vay, chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Kết quả thực tế từ NCB, TPBanh, HDB, SHB hay Kiên Long Bank đều ghi nhận nhưng kết quả lợi nhuận ấn tượng. Đặc biệt trong đó có NCB và Kienlongbank ghi nhận tăng đột biến.

Trong tuần tới, lần lượt những ngân hàng còn lại sẽ công bố lợi nhuận của quý III. Theo dự báo của SSI, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận sẽ tăng, chỉ khác là tăng nhanh và tăng chậm, duy nhất có VIB được sự báo lợi nhuận giảm.

NCB lãi trước thuế đạt 204 tỷ đồng, tăng 16lần so với cùng kỳ

Ngân hàng thương mại Quốc Dân (NCB, mã: NVB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả kinh doanh tăng đột biến. Lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng này đạt gần 80 tỷ đồng, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Luỹ kế 9 tháng, NCB ghi nhận lãi trước thuế đạt 204 tỷ đồng, tăng 635% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, trong quý III, ngân hàng không còn phải trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc đã giúp lợi nhuận tăng trưởng đột biến.

Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của NCB là 800 tỷ, tăng 191 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.

Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động của NCB đạt 244,8 tỉ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 66 lần so với cùng kỳ, lên gần 132,1 tỉ đồng.

Cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 81.100 tỷ đồng, giảm 9,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên hơn 41.300 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 3,7% xuống mức 69.501 tỷ đồng.

9 tháng, TPB lãi hơn 4.300 tỷ đồng

Theo công bố của ngân hàng TPBank (TPB), kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 75,76% kế hoạch của cả năm (TPBank đề ra mục tiêu lợi nhuận 5.800 tỷ đồng trong năm 2021), tương đương khoảng 4.394 tỷ đồng. Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE của ngân hàng lần lượt là 2,01% và 22,59%.

Thu lãi thuần từ dịch vụ trong ba quý đầu năm 2021 của TPBank đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 1.052 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và tăng 26,2% so với đầu năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%.

Trong quý III, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, tổng huy động của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt 230.644 tỷ đồng, tăng 24,73% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm.

Nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động tăng thêm đã giúp TPBank tăng hệ số an toàn vốn CAR lên 13,43% vào cuối quý III. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank được kiểm soát ở mức 1,02%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ 1,43% một năm trước đó.

HDB công bố lãi 5.970 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ

HDBank (HoSE: HDB) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 đạt 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương 5.970 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp dưới 1%.

Tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346.000 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.

Tổng thu nhập hoạt động của HDB vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ. Thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng banca và dịch vụ thanh toán.

Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% tại 30/9/2020 xuống còn 39%. ROE đạt 24%, tăng mạnh so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm

Tại SHB, tính đến 30/09/2021, tổng tài sản SHB đạt 464 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý III, nhà băng này lãi hơn 1.880 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%, tương đương với chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống.

Kienlongbank lãi hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần 9 tháng 2020

Tại Kienlongbank (KLB), ngân hàng cho biết đã thực hiện gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đầu năm. Như vậy lợi nhuận 9 tháng của nhà băng này tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 72 tỷ đồng, tăng 76%.

Cuối tháng 9, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 113,38% kế hoạch năm, tăng 31% so với đầu năm; dư nợ cấp tín dụng đạt 47.450 tỷ đồng, hoàn thành 80,08% kế hoạch năm; huy động vốn thị trường 1 đạt 92,04% kế hoạch năm.

Bức tranh lợi nhuận tăng nhanh, chậm khác nhau, duy nhất VIB được dự báo giảm

Theo dự báo của SSI, trong quý III/2021, ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất sẽ là Techcombank với 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhờ tín dụng tăng 16%, giá vốn thấp nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào.

Lũy kế 9 tháng, Techcombank dự báo đạt lợi nhuận 16.700 tỷ đồng, cả năm khả năng đạt 22.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 40,8% so với cùng kỳ.

Đối với Vietcombank, SSI đưa ra dự báo lợi nhuận trong quý III khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tín dụng 11,5% so với đầu năm.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận Vietcombank thấp hơn Techcombank là do Vietcombank đẩy mạnh cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng và tăng trích lập dự phòng nợ xấu.

Dự báo cả năm, Vietcombank vẫn vẫn sẽ là quán quân lợi nhuận của toàn hệ thống, có khả năng đạt 24.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 5,4%.

Ngân hàng TMCP Quân đội cũng là ngân hàng được dự báo có mức tăng trưởng tốt quý III/2021 nhờ tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 12-13%, lợi nhuận quý Iđạt khoảng 3.300 - 3.400 tỷ đồng, tăng 10-12% so với cùng kỳ. Ước cả năm, lợi nhuận của MB có thể tăng 42,2% và lợi nhuận năm tới có thể tăng 21%.

Hai ngân hàng lớn được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn trong quý III/2021 là VietinBank và VPBank.

Theo SSI, ước tính lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của VietinBank chỉ đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Nhờ lợi nhuận đột biến quý I/2021, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận VietinBank vẫn đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ.

SSI dự báo, lợi nhuận cả năm của VietinBank chỉ tăng 2,7% và chỉ có thể lấy lại phong độ tăng trưởng vào năm sau. Năm nay, lợi nhuận của VietinBank có thể chỉ đạt 17.300 tỷ đồng và đạt 21.800 tỷ đồng vào năm tới.

Với VPBank, SSI cũng cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng này quý III/2021 chỉ đạt 3.200 tỷ đồng do bị tác động tiêu cực bởi COVID-19. Mức lợi nhuận này giảm mạnh so với quý trước song vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ước tính lợi nhuận của SSI về VPBank chưa bao gồm khoản thu nhập đột biến gần 1,4 tỷ USD mà VPBank thu về từ thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật. Trước đó, lãnh đạo VPBank cho biết, khoản tiền này sẽ được hạch toán vào lợi nhuận VPBank năm 2021, giúp lợi nhuận tăng đột biến.

Trong các ngân hàng được dự báo, VIB là ngân hàng duy nhất SSI cho rằng lợi nhuận giảm. Theo đó, dù tăng trưởng tín dụng tăng 11% so với đầu năm, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do VIB tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng.

Ngoài ra, mảng kinh doanh bảo hiểm, vốn thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB, bị áp lực trong thời gian dài giãn cách.

Theo SSI, lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của VIB chỉ đạt 1.300-1.400 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng lũy kế 9 tháng, ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Với những nhận định về diễn biến lợi nhuận của các ngân hàng trên, SSI đưa ra nhận định khả quan về cổ phiếu ACB, HDB, TCB, MBB, CTG. Tuy nhiên, riêng với CTG, các chuyên gia cho rằng, do ROE giảm, chi phí tăng nên giá cổ phiếu CTG của VietinBank sẽ chậm lại nửa cuối năm nay và chỉ nên xem xét từ năm 2022.

Đọc tiếp