Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Tường Lan thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3, trong quý đầu năm 2023 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 1,8 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2022, châu Âu giảm 30%, CPTPP giảm 23,5%, Trung Quốc giảm 11%.
“Xu hướng giảm tại các thị trường chính đang thể hiện rất rõ ràng và tín hiệu giảm sẽ kéo dài đến ít nhất qua hết hè năm nay”, bà Lan nhận định.
Thị trường biến động theo chiều hướng kém lạc quan đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp đầu ngành như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, IDI...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), quý 1/2023 doanh nghiệp thu về 2.221 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với mức 3.267 tỷ đồng trong quý 1/2022. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn đạt 225 tỷ đồng, giảm 59% so với quý 1/2022.
Doanh thu Vĩnh Hoàn giảm trong bối cảnh ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại thị trường Mỹ, vốn là thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn nhất của Vĩnh Hoàn.
Vĩnh Hoàn đã có 3 tháng liên tiếp ghi nhận kết quả doanh thu tăng trưởng âm trong năm 2023. Trong đó tháng 1 giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022, tháng 2 giảm 29% và tháng 3 giảm 25%.
Tại các thị trường, xuất khẩu hàng thủy sản của Vĩnh Hoàn sang Mỹ giảm 65% so với cùng kỳ năm 2022 trong tháng 1, giảm 69% vào tháng 2 và giảm 40% trong tháng 3.
Tương tự, tổng doanh thu quý 1 của CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) đạt 1.763 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm cá tra đạt 809 tỷ đồng, giảm 7,4%.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 17,5 tỷ đồng, giảm 91% so với mức 201 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2022.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 5% so với trong quý 1/2023 do giá bán và sản lượng bán sản phẩm giảm. Trong khi đó, giá nguyên liệu lại tăng khiến giá vốn bán hàng tăng 10%. Các yếu tố này đã góp phần kéo lợi nhuận thuần của ANV giảm 55%, đạt 92,37 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau 7 năm ghi nhận lãi liên tiếp các quý, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã ghi nhận quý lỗ đầu tiên. Cụ thể, trong quý, doanh nghiệp ghi nhận đạt 2.122 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 49,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt -95 tỷ đồng, giảm 189% so với mức 106 tỷ đồng ghi nhận tại cùng kỳ năm 2022.
Điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp thủy sản quý đầu năm 2023 là sự tăng trưởng lợi nhuận của Sao Ta. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), doanh thu thuần quý 1/2023 dù chỉ đạt 1.008 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh từ thủy sản giảm 26%, đạt 953,58 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Sao Ta đạt 50,65 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ban lãnh đạo của doanh nghiệp cho biết từ đầu quý 3/2023 hoạt động sản xuất kinh doanh của FMC sẽ khởi sắc rõ nét mà tác động chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu.
Theo đó, từ cuối năm 2020 Sao Ta đã nhận thấy chi phí logistics tăng quá cao nên đã chuyển hướng về thị trường xuất khẩu gần, trong đó Nhật được xác định là thị trường trọng điểm. Quý 1/2023, Nhật chiếm hơn 40% tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp. Mặt khác, FMC mới có thêm vùng nuôi chuẩn ASC sẽ là nền tảng thâm nhập vào thị trường EU.