Kiến nghị kiểm soát nhập khẩu gỗ thông qua các doanh nghiệp đầu mối

Gỗ Nhập khẩu
07:58 - 23/03/2023
Kiểm soát chặt chẽ đầu vào gỗ nguyên liệu. Ảnh minh họa.
Kiểm soát chặt chẽ đầu vào gỗ nguyên liệu. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022 có trên 900 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gỗ từ thị trường tích cực và trên 600 doanh nghiệp nhập khẩu từ vùng rủi ro. Với số lượng doanh nghiệp tham gia đông đảo này, VIFOREST cho rằng đây là yếu tố khó kiểm soát đầu vào của gỗ nguyên liệu.

80 - 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu

Thông tin về số lượng lớn doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu được Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đưa ra tại Báo cáo Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên từ vùng địa lý tích cực và không tích cực tới hết 2022 do Nhóm nghiên cứu Forest Trends và Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thực hiện.

Khoảng 80 - 90% các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ đều là các doanh nghiệp nhỏ với lượng nhập dưới 5.000 m3 /năm. Trên 70% số doanh nghiệp có lượng nhập dưới 1.000 m3 /năm.

Đối với các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu là gỗ tròn từ các nguồn tích cực, xét theo quy mô lượng gỗ nhập khẩu, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp nhập khẩu đạt trên 100.000 m3/năm từ thị trường tích cực vào năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, không còn doanh nghiệp nào có quy mô nhập khẩu như vậy nữa. Số lượng doanh nghiệp nhập khẩu trên 20.000 m3 /năm chỉ chiếm dưới 3% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ tròn từ thị trường tích cực.

Ngược lại số lượng doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu dưới 1.000 m3 lại chiếm đến hơn 60%, theo sau là nhóm doanh nghiệp nhập từ 1.000 – 5.000 m3 /năm, chiếm từ 20 – 25% tổng số doanh nghiệp.

Đối với mặt hàng gỗ xẻ, số doanh nghiệp nhập khẩu từ các thị trường tích cực có số lượng vượt trội so với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu từ các thị trường rủi ro.

Năm 2022, trong số 1.267 doanh nghiệp nhập khẩu gỗ xẻ, có 915 doanh nghiệp đã nhập khẩu gỗ từ các thị trường tích cực và 610 doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ các thị trường rủi ro.

Tức là có 258 doanh nghiệp đã nhập khẩu từ cả hai nhóm thị trường, chiếm 20,4% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ xẻ. Tương tự như với gỗ tròn, nhóm doanh nghiệp nhỏ vẫn chiếm đa số trên thị trường.

Số doanh nghiệp nhập khẩu dưới 5.000 m3 /năm chiếm tới trên 90% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu ở cả hai nhóm thị trường. Trong khi đó, lượng doanh nghiệp nhập khẩu trên 20.000 m3 /năm từ thị trường tích cực chỉ chiếm 2 - 3% và dưới 1% ở nhóm nhập khẩu từ thị trường rủi ro trong suốt giai đoạn 2018 – 2022.

Tập trung hóa đầu mối nhập khẩu trong tương lai

Theo nhóm nghiên cứu Forest Trend, chuỗi cung gỗ nguyên liệu từ các thị trường rủi ro, đặc biệt là châu Phi về Việt Nam hiện rất phức tạp.

Tính phức tạp được tạo ra bởi nhiều bên trung gian tham gia chuỗi, đặc biệt là từ các công ty nhập khẩu có quy mô nhỏ lẻ, có số lượng nguồn cung lớn, thành phần loài nhập khẩu đa dạng. Thông tin về các yêu cầu pháp lý liên quan tới các khâu của chuỗi cung cũng như mức độ tuân thủ của các bên tham gia chuỗi từ các quốc gia cung gỗ này hạn chế.

Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro đối với luồng cung này, báo cáo kiến nghị Chính phủ cân nhắc cơ chế kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu theo các doanh nghiệp đầu mối. Chính phủ cân nhắc chỉ cho phép một số doanh nghiệp uy tín, quy mô vừa và lớn được tham gia vào khâu nhập khẩu.

“Quản lý khâu nhập khẩu theo các doanh nghiệp đầu mối cần có sự tham gia của bên thứ ba để tránh rủi ro độc quyền. Hợp tác song phương giữa cơ quan quản lý Việt Nam và của nước xuất khẩu là nền tảng để hình thành cơ chế này”, báo cáo nêu rõ.

Theo báo cáo, đây chính là khả năng tập trung hóa khâu nhập khẩu, chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lớn, tuân thủ pháp luật cao làm các đầu mối nhập khẩu thay vì cho phép doanh nghiệp tham gia nhập khẩu tự do như hiện nay.

Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu này sẽ có khả năng tìm kiếm và đàm phán với các đối tác khai thác và xuất khẩu gỗ tin cậy ở nước cung ứng, có uy tín được đảm bảo bởi các cơ quan sở tại hoặc tổ chức chứng nhận độc lập. Điều này sẽ giúp việc kiểm soát chuỗi cung tại quốc gia xuất khẩu hiệu quả hơn.

Trong tương lai, Chính phủ Việt Nam cũng cần cân nhắc các cơ chế chính sách và các biện pháp liên quan đến mua sắm công, nhằm khuyến khích sử dụng gỗ ít rủi ro, gỗ rừng trồng trong nước nhằm thay thế nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro.

Giảm cầu tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng được làm từ gỗ rủi ro nhập khẩu trực tiếp góp phần giúp Chính phủ thực hiện thành công các cam kết quốc tế về chống khai thác gỗ lậu, chống biến đổi khí hậu, chống mất rừng và suy thoái rừng.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường rà soát các chuỗi cung ứng và thiết lập các hoạt động trao đổi thông tin, giao lưu với các doanh nghiệp nhập khẩu nhằm hiểu rõ chuỗi cung ứng và xác định các rủi ro trong chuỗi.

“Đây là cơ sở để thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát chung giữa Việt Nam và quốc gia cung ứng gỗ. Chính phủ Việt Nam đã chính thức đề nghị hợp tác với Chính phủ các quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam, bao gồm Cameroon, Lào, Campuchia”, báo cáo chỉ ra.

Hợp tác này được hình thành trong tương lai sẽ là kênh thông tin hiệu quả chuyển tải thông tin về yêu cầu của chuỗi cung cũng như mức độ tuân thủ với các yêu cầu này tại quốc gia cung gỗ cho Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp