Chiều 9/11, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã tổng hợp nội dung cuộc họp giữa lãnh đạo Chính phủ và các doanh nghiệp hôm 8/11 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Cuộc họp tại TP HCM do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, HoREA và 19 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Hà Nội, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với sự tham gia của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và khoảng 15 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.
Riêng về cuộc họp tại TP HCM, theo HoREA, các doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xem xét nhiều chiều để đánh giá chính xác các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, đồng thời xác định các nguyên nhân chủ yếu và đề xuất giải pháp cấp bách.
Trong đó, "vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Để giải quyết vướng mắc này cần phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong khi chờ các luật sửa đổi có hiệu lực, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành ngay trong tháng 11 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục hành chính với các dự án hiện kéo dài khoảng 3 - 5 năm, thậm chí doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng đi đôi với xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ thì cũng cần xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Tại cuộc họp, các đơn vị cũng đề nghị Thủ tướng xem xét thành lập ban hoặc tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình. Đây sẽ là tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.
Đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Với các địa phương, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản đã tạm nộp tiền sử dụng đất hoặc đang được rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung. Khi đó, doanh nghiệp có thể hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, còn người mua nhà cũng sớm được cấp sổ hồng.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập đối với các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra, các nghiệp bất động sản cũng kiến nghị cần cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội khóa 14 cho phép chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án, khi đã có giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất nhằm tạo điều kiện tái khởi động các dự án "trùm mền".
Về nguồn vốn, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1%, để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
HoREA cho biết, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương tổng hợp ý kiến của Lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp trong 2 cuộc họp trên đây để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn để phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, an toàn và bền vững.