Lạm phát cả năm dưới 2% là một thành công lớn của chính sách tiền tệ

VĨ MÔ Việt nAM
07:00 - 31/12/2021
Lạm phát cả năm dưới 2% là một thành công lớn của chính sách tiền tệ
0:00 / 0:00
0:00
“Lạm phát cả năm dưới 2% trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng nóng là một thành công lớn của chính sách tiền tệ”, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định trong cuộc trao đổi với MEKONG ASEAN.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, lạm phát toàn phần đo lường dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực thực phẩm, năng lượng… dễ biến động) chỉ tăng 0,81%.

Động lực thúc đẩy CPI tăng trong năm nay đến từ mức tăng của giá xăng dầu trong nước (31,74% so với cùng kỳ năm ngoái), giá gas (25,89%), giá gạo (5,79%), giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (7,03%)...

Bù lại, mức giảm giá của các mặt hàng thực phẩm (0,54%), giá du lịch trọn gói (2,32%), giá vé máy bay (21,15%), giá điện (0,89%)... đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI trong toàn nền kinh tế.

Mức tăng lạm phát toàn phần 1,84% trong năm nay là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Mức tăng lạm phát toàn phần 1,84% trong năm nay là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa MEKONG ASEAN với TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về dự báo lạm phát năm 2022 cũng như tác động đến các yếu tố vĩ mô trong nền kinh tế.

Ông đánh giá thế nào về con số lạm phát 1,84% mà Tổng cục Thống kê vừa công bố?

Để hiểu được ý nghĩa của con số lạm phát 1,84%, cần đặt nó trong sự so sánh với tình hình lạm phát cao trên toàn cầu.Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 11 là 6,9%, cao nhất trong gần 4 thập kỷ. Tại Anh và châu Âu, lạm phát cũng đã vượt 4%.

Tại Trung Quốc, dù chỉ số giá tiêu dùng khá thấp, dao động quanh 1,5% nhưng chỉ số giá sản xuất đã vượt 10% trong 3 tháng gần nhất. Điều này phản ánh nguy cơ lạm phát tăng vọt trong năm 2022.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã leo dốc mạnh mẽ trong năm qua và vượt 10% từ 3 tháng nay, làm tăng áp lực lạm phát cho năm 2022 (Nguồn: CGTN)

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã leo dốc mạnh mẽ trong năm qua và vượt 10% từ 3 tháng nay, làm tăng áp lực lạm phát cho năm 2022 (Nguồn: CGTN)

Mối đe dọa lạm phát trên toàn cầu không chỉ xuất hiện sớm hơn mà còn nóng hơn, kéo dài hơn dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương lớn.

Lạm phát đến từ cả hai yếu tố: chi phí đẩy, do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng, sản xuất đình đốn và cầu kéo, do một lượng lớn tiền được phát hành ra nền kinh tế thông qua các gói cứu trợ, kích thích… tạo nên lực cầu rất mạnh.

Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ số lạm phát rất ổn định. Lạm phát cả năm dưới 2% trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng nóng là một thành công lớn của chính sách tiền tệ. Lạm phát cơ bản cả năm đạt 0,81% thể hiện áp lực giá ở Việt Nam chủ yếu đến từ thiếu hụt nguồn cung và yếu tố lạm phát nhập khẩu.

Ảnh tác giả

"Lạm phát cả năm dưới 2% trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng nóng là một thành công lớn của chính sách tiền tệ...Giá lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu khá ổn định đã góp phần quan trọng trong ổn định an sinh xã hội suốt thời gian giãn cách chống dịch."

TS. Lê Xuân Nghĩa

Trong bối cảnh chung toàn cầu như vậy, ông dự báo ra sao về áp lực lạm phát năm 2022 của quốc tế cũng như Việt Nam?

Lạm phát toàn cầu có thể dịu xuống 3,5-4,0% trong năm 2022 với kịch bản dự kiến là các ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng lãi suất với lộ trình hợp lý, tỷ giá hối đoái không biến động lớn.

Trong tình huống này, lạm phát tại Việt Nam dự báo di chuyển quanh mức trên dưới 3%. Nguyên nhân gây lạm phát vẫn đến chủ yếu từ yếu tố chi phí đẩy, do áp lực nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát cầu kéo dự báo không đáng kể do ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục kiểm soát ổn định cung tiền.

Trong cuộc trao đổi gần nhất với MEKONG ASEAN, ông dự báo lạm phát năm 2022 ở mức 3,5-3,8%. Mức lạm phát dự báo trên dưới 3% như ông vừa nói có phải là một sự điều chỉnh hạ, thưa ông? Và ông lý giải ra sao về mức hạ này?

Dự báo luôn cần cập nhật. Gần đây FED và các ngân hàng trung ương lớn dự kiến sẽ tăng lãi suất ngay trong năm 2022 để kiểm soát lạm phát, như vậy có thể kỳ vọng áp lực nhập khẩu lạm phát năm sau không thể lớn như năm nay.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố có nguy cơ làm tăng áp lực lạm phát cũng như đe dọa triển vọng phục hồi của kinh tế trong năm sau. Diễn biến của dịch COVID-19 và nguy cơ phát sinh nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn biến chủng Omicron chẳng hạn.

Ảnh tác giả

"Tinh thần chung của các dự báo lạm phát cho đến giờ phút này là lạm phát năm 2022 khó vượt mức mục tiêu 4%."

TS. Lê Xuân Nghĩa

Kịch bản lạm phát không vượt tầm kiểm soát trong năm sau sẽ ảnh hưởng ra sao đến các yếu tố vĩ mô khác của nền kinh tế, thưa ông?

Theo đà tăng của áp lực lạm phát năm 2022, có khả năng lãi suất tăng nhẹ cùng chiều với xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của thế giới. Một yếu tố khác có thể đưa lãi suất nhích nhẹ lên là tác động nhất định từ việc nới lỏng dần chỉ thị giãn hoãn nợ của ngân hàng Nhà nước, dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2022.

Tỷ giá hối đoái năm 2022 cũng có khả năng chịu áp lực khi đồng USD vẫn duy trì xu hướng mạnh lên với nhiều đồng tiền chủ chốt khác tại châu Á do lộ trình tăng lãi suất của FED.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp