Bức ảnh phi công Mỹ tự chụp khi bay gần khinh khí cầu Trung Quốc, ngày 3/2. Ảnh: BQP Mỹ |
“Chúng tôi biết khinh khí cầu có khả năng thu thập thông tin tình báo. Nhưng theo đánh giá của chúng tôi, nó đã không thu thập dữ liệu khi bay qua lãnh thổ Mỹ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder nói với các phóng viên, theo ABC News.
Ông Ryder cho biết Mỹ “đã thực hiện các bước để giảm thiểu việc thu thập thông tin tình báo bằng khí cầu”. “Chắc chắn những nỗ lực của chúng tôi đã góp phần vào điều đó”, ông nói nhưng không giải thích gì thêm.
Ông cũng cho biết các báo cáo nói rằng khinh khí cầu Trung Quốc sử dụng các bộ phận của Mỹ là “không có gì ngạc nhiên”, nhưng ông không xác nhận thông tin này.
Đánh giá của Lầu Năm Góc được cho là làm giảm bớt lo ngại từ một số nhà lập pháp Mỹ khi cho rằng khinh khí cầu Trung Quốc có thể đã thu thập dữ liệu khi nó bay qua phần lớn lãnh thổ Mỹ, bao gồm cả các địa điểm quân sự nhạy cảm có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trước khi bị quân đội bắn hạ.
Khinh khí cầu Trung Quốc bị tiêm kích Mỹ bắn hạ ở ngoài khơi Nam Carolina ngày 4/2. Ảnh: Reuters |
Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 năm nay, giới chức Mỹ phát hiện một khinh khí cầu khổng lồ của Trung Quốc với khối lượng lớn thiết bị đã bay qua lãnh thổ nước này từ bang Alaska ở phía tây bắc đến Nam Carolina ở phía đông.
Khinh khí cầu này đã bị bắn hạ vào ngày 4/2 ngay ngoài khơi bờ biển Nam Carolina và được Hải quân Mỹ và đội tàu trục vớt các mảnh vỡ. Sau đó, nó đã được mang về phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Virginia, để các chuyên gia FBI và cơ quan tình báo phân tích và đánh giá.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã phủ nhận khinh khí cầu là thiết bị thu thập thông tin tình báo, nói rằng nó chỉ là một thiết bị theo dõi khí tượng bay chệch hướng vào không phận Mỹ.
Sự cố khinh khí cầu đã làm bùng lên mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, cản trở những nỗ lực của Mỹ vào thời điểm đó nhằm khôi phục liên lạc với Trung Quốc, khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc hiếm hoi được lên kế hoạch từ lâu.
Quan hệ Mỹ - Trung sau đó đã bị phủ bóng bởi một loạt các động thái bao gồm các cuộc chạm trán quân sự, các biện pháp trừng phạt kinh tế và những cáo buộc từ cả hai nước cho rằng bên kia đang gây nguy hiểm cho sự ổn định toàn cầu.
Tại Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Trung Quốc đã từ chối tiến hành các cuộc đối thoại quân sự, khiến hai bên rơi vào bế tắc vì những khác biệt. Gần đây, Ngoại trưởng Blinken đã thực hiện chuyến công du tới Trung Quốc từ ngày 18-19/6 sau 4 tháng bị trì hoãn nhưng được nhận xét là không tạo ra sự đột phá.