Liên hoan phim Việt Nam được đưa vào dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi

Điện ảnh Việt nAM
22:32 - 25/05/2022
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, trong phiên chiều 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo đó, ông Nguyễn Đắc Vinh Cho biết dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận toàn thể lần đầu tiên từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Đây là lần thứ hai dự thảo này được đưa ra thảo luận với nhiều ý kiến xây dựng tích cực.

Sau khi tiếp thu và chỉnh sửa, hiện dự thảo Luật Điện ảnh gồm 8 Chương 50 Điều về các vấn đề: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phát hành phim; phổ biến phim trên không gian mạng; liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; lưu chiểu, lưu trữ phim; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh;...

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa, do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim, dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các cơ sở điện ảnh.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, dự thảo Luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…

Về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Dự thảo Luật đã mở rộng chủ thể được tổ chức các cuộc liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim. Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội sẽ được tổ chức nhằm định hướng tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, định hướng sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật.

Trong phiên họp này dự thảo Luật Điện ảnh sẽ thảo luận và nêu ý kiến về 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau về cung cấp dịch vụ về phổ biến phim trên không gian mạng, về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và một số vấn đề khác của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Cần có chính sách ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế

Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, bổ sung nhiều nội dung mới so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long) cho rằng việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là điều cần thiết. Việc này vừa giúp giới sản xuất phim Việt Nam tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, vừa quảng bá được hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế thông qua các giá trị nhân văn, văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn

Vì vậy, đối với các kịch bản do tổ chức nước ngoài đầu tư, quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam thì cần có kịch bản tóm tắt bằng tiếng Việt nhằm phục vụ công tác thẩm định, quản lý. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng bản tóm tắt chưa thể hiện được hết nội dung phim, cần thẩm định kịch bản với nội dung đầy đủ. Ý kiến này cũng được sự đồng thuận từ các đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (tỉnh Bến Tre), đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đại biểu Tô Ái Vang (tỉnh Sóc Trăng)

Ngoài ra, đại biểu Thanh cho rằng các chính sách ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi sẽ giúp thu hút tổ chức nước ngoài sản xuất phim tại Việt Nam, tuy nhiên, yếu tố chính thu hút nhà sản xuất nước ngoài vẫn là Việt Nam và nền điện ảnh Việt Nam

Cũng nói về vấn đề này, nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu TP HCM) cho rằng việc thu hút nhà sản xuất nước ngoài đến khai thác tại Việt Nam tuy rằng có lợi ích, nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ đẩy lùi nhu cầu văn hóa Việt Nam của chính người Việt. Cho rằng việc mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa hiện đang thiếu một lộ trình phù hợp. Vì vậy, đại biểu Nghĩa đề nghị việc mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa cần điều chỉnh, không thể dễ dãi hơn so với mở cửa cho sản phẩm dịch vụ hàng hóa vật chất.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim

Về chính sách phát triển ngành điện ảnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng hiện nay, chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng nhiều trường quay, vì vậy, cần xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim, đồng thời gắn kết các trường quay với hoạt động du lịch, giải trí nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cũng cần có quy định cụ thể việc sử dụng trường quay hiện đại được đầu tư bằng ngân sách nhà nước sao cho đúng với mục tiêu phát triển nền công nghiệp điện ảnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn

Đồng tình với ý kiến này, từ kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới, đại biểu Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam) cũng cho rằng Luật cần tạo cơ chế xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư tư nhân để đầu tư trường quay hiện đại này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Đại biểu Tô Ái Vang: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp kiểm tra phổ biến phim trên không gian mạng.

Về Điều 21 của dự thảo Luật quy định phổ biến phim trên không gian mạng, Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: quochoi.vn

Cũng về vấn đề này đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng việc quy định phân loại phim khi phổ biến phim trên mạng chưa đảm bảo sự bình đẳng, đồng thời đề nghị xem xét lại tính khả thi của việc phân loại phim theo độ tuổi trên truyền hình.

Ngoài ra, không chỉ đặt trách nhiệm lên cơ quan quản lý, về phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung hướng dẫn các bậc cha mẹ kiểm soát, quản lý con em mình, bảo đảm trẻ tiếp cận với các bộ phim phù hợp với độ tuổi theo quy định.

Tin liên quan

Đọc tiếp