Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị trường lại nóng về nội dung thu hồi đất

LUẬT ĐẤT ĐAI QUỐC HỘI
13:55 - 14/11/2022
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung về thu hồi đất trong dự thảo luật là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu để hoàn thiện chính sách.

Làm rõ trường hợp "thật cần thiết" khi thu hồi đất

Góp ý về dự thảo Luật, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định quan tâm đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đại biểu cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể.

Đại biểu dẫn Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật".

Theo đại biểu, Hiến pháp quy định Nhà nước được quyền thu hồi đất, nhưng phải đủ các điều kiện: "thật cần thiết", theo luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. "Điều đó có nghĩa, dù thu hồi đất cho mục đích gì thì phải có yếu tố thật cần thiết và luật phải có quy định, trong khi Dự Luật chưa thể hiện được điều này", đại biểu Mai Thị Phương Hoa góp ý.

Trong khi đó, theo đại biểu thời gian qua thường là tự thuyết minh về sự “cần thiết” của từng dự án, dễ dẫn đến thực hiện theo ý muốn chủ quan, dễ tạo sự lạm dụng thu hồi đất tràn lan. Từ đó, đại biểu đề nghị quy định ngay trong Dự Luật các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là "thật cần thiết" và luật không làm được điều này thì chưa thực hiện đúng quy định của Hiến pháp.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị trường lại nóng về nội dung thu hồi đất ảnh 1

Người dân bị thu hồi đất đã thiệt thòi rồi, nếu không được thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường thì càng thiệt thòi hơn. Đề nghị dự thảo Luật cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu cho biết, dự thảo luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành.

Đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật hiện hành xem còn phù hợp hay không?

Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Bồi thường không chỉ bằng tiền mà quan trọng nhất là bảo đảm kế sinh nhai

Cũng nêu quan điểm về nội dung này, Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum bày tỏ quan điểm tán thành với việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và mọi người dân.

Báo cáo thường niên của Chính phủ cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.

"Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc cho lợi ích của cộng đồng, Nhà nước, nhưng không chấp nhận thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người", đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, luật hiện hành và dự thảo đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi, giúp cụ thể hóa từng trường hợp thu hồi. Tuy nhiên, vấn đề là lợi ích quốc gia, công cộng thường không cố định và phần lớn chưa phát triển, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cũng rất rộng.

"Liệu những quy định theo phương pháp này có bao quát hết và dự liệu hết các trường hợp, các dự án sẽ phát sinh trong quá trình phát triển hay không là vấn đề ban soạn thảo cần quan tâm hơn", đại biểu Tám nêu.

Trong khi đó, theo đại biểu việc Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính có thể tiềm ẩn nguy cơ xung đột, lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, đại biểu đề nghị tiếp cận vấn đề theo hướng chỉ thu hồi những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế, xã hội mang tính chiến lược quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh, của cả nước, hoặc các công trình công cộng.

Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền với tư cách là chủ thể quản lý đất đai.

Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị trường lại nóng về nội dung thu hồi đất ảnh 2

Khi Nhà nước thu hồi đất, người dân mất đi một tư liệu sản xuất quan trọng, bởi vậy việc bồi thường hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà quan trọng nhất là bảo đảm kế sinh nhai lâu dài cho người dân. Nếu không bảo đảm được điều này, họ sẽ rơi vào nguy cơ tái đói nghèo, dự thảo cần có quy định cụ thể về việc tạo sinh kế cho người dân khi bị Nhà nước thu hồi đất.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đang có quy định rất rộng. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nữa, xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù, quy định rõ khu vực nào là đất quốc phòng, khu vực nào là đất kinh doanh, làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, người bị thu hồi đất không chỉ chịu thiệt hại về đất đai, mà còn chịu thiệt về nhiều tài sản khác gắn liền với đất đai, sinh kế. Đại biểu đề nghị, cần quy định thêm về việc hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất, thực hiện đúng mục tiêu "chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ".

Đọc tiếp