Lý do khiến thị trường chứng khoán đón nhận 'ngày thứ 2 đen tối'

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
21:19 - 17/01/2022
Lý do khiến thị trường chứng khoán đón nhận 'ngày thứ 2 đen tối'
0:00 / 0:00
0:00
Khó khăn từ nhóm cổ phiếu bất động sản chưa qua, thị trường chứng khoán giảm mức sâu nhất trong năm tháng qua trong ngày 17/1. Sự chao đảo này được nhận định đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hiệu ứng domino từ nhóm cổ phiếu bất động sản

Những thông tin từ vụ bán chui cổ phiếu FLC không công bố của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm đã khiến bảng điện tử đỏ rực vì hàng trăm mã cổ phiếu “họ FLC” như FLC, ROS, HAI, AMD, KLF… liên tục lao dốc từ 11/1 đến ngày 14/1 vừa qua lan sang các nhóm ngành khác.

Hiệu ứng domino từ nhóm cổ phiếu bất động sản.

Hiệu ứng domino từ nhóm cổ phiếu bất động sản.

Thêm vào đó, những thông tin tiêu cực đã kích hoạt tâm lý hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư. Sự mất niềm tin và "dè chừng" cùng suy nghĩ rút tiền về trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán để bảo toàn tài sản đã khiến áp lực bán tháo bung ra mạnh mẽ.

Việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Theo ý kiến của các chuyên gia, cũng có thể giới đầu tư đang lo ngại việc NHNN ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022, làm yếu đi dòng tiền trên thị trường.

Nguyên nhân, chỉ thị này có nội dung đề cập đến việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Chính vì vậy, ngành chứng khoán và bất động sản nằm trong top 5 các ngành giảm mạnh nhất thị trường.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư yêu thích dòng cổ phiếu chứng khoán vì đây là nhóm ngành thu nhiều doanh thu, lợi nhuận. Thời gian qua giao dịch trên thị trường chứng khoán bùng nổ, đi kèm đó là nguồn doanh thu phí môi giới, doanh thu cho vay margin... rất cao. Vì vậy, khi nhóm ngành này giảm mạnh khiến nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn và đẩy hàng như một chuỗi domino. Điều này đã tác động không nhỏ thị trường và khiến VN-Index mất điểm nhanh chóng.

Do mất thanh khoản của dòng đầu cơ khiến các nhóm ngành khác bị ảnh hưởng

Theo đó, một phần các cổ phiếu cơ bản bị bán do ảnh hưởng bởi hoạt động giải chấp margin ở các tài khoản căng margin khi các cổ phiếu đầu cơ giảm sâu mất thanh khoản. Cụ thể, khi các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức không bán được những cổ phiếu nằm sàn hàng loạt thì việc giải chấp hoặc bán chủ động sẽ là ở các mã khác trong danh mục nhằm mục đích thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, có thể thấy ngành bất động sản là nhóm "lên ngôi" giúp duy trì đà tăng cho thị trường trong suốt thời gian dài. Do đó, khi nhóm này sụp đổ, tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng chuyển biến xấu khi chưa nhìn thấy dòng dẫn dắt mới.

Thị trường chứng khoán giảm trước Tết là đúng quy luật, phiên bán tháo hôm nay có bình thường?

Trong lịch sử từ năm 2016 tới nay, hầu hết thị trường chứng khoán đều đi xuống trước Tết Âm lịch sau đó ngay lập tức tăng trở lại.

Như vậy, nếu như thị trường không có một biến cố nào quá lớn, giai đoạn trước Tết Âm lịch chịu tác động rút tiền nghỉ lễ của nhà đầu tư, lượng tiền bị rút ra khỏi thị trường và sau Tết kỳ vọng sẽ quay trở lại.

Đặc biệt, quý I hàng năm là thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm và kế hoạch triển khai năm tài chính tiếp theo, cũng như dự báo cơ hội thách thức của ngành, từ đó giúp nhà đầu tư có cơ sở và đánh giá lại triển vọng để xây dựng danh mục đầu tư mới phù hợp với điểm rơi lợi nhuận của từng doanh nghiệp riêng biệt.

Bên cạnh đó, thị trường năm nay còn đón nhận thông tin tích cực khi Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng nhằm phục hồi kinh tế sau giãn cách, đây là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay và kỳ vọng sẽ là động lực không nhỏ giúp nền kinh tế Việt Nam sớm quay lại đà tăng trưởng.

Chính vì thế, dòng tiền có thể sẽ sớm quay lại thị trường khi các nhà đầu tư tìm thấy "nơi tin cậy" như đã lặp lại ở nhiều năm trước đây với câu chuyện trọng tâm là mùa Đại hội cổ đông.

Trong phiên giao dịch ngày 17/1, các nhà đầu tư như "ngồi trên đống lửa" khi chứng kiến thị trường sập sâu 43 điểm về mốc 1.452 điểm – mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua. Hiện tượng "vỡ bong bóng" cổ phiếu đầu cơ đã khiến các blue-chips bị "vạ lây", hơn 185 mã giảm sàn trong khi sàn HoSE có đến 125 mã nằm sàn.

Hiện tượng giải chấp tài khoản xuất hiện ở nhiều công ty chứng khoán đã châm ngòi cho đà bán tống bán tháo lan toả trên diện rộng. Tâm lý bi quan trùm lên toàn bộ thị trường với sắc đỏ cùng màu xanh lơ u ám phủ bóng lên toàn bộ các nhóm ngành.

Áp lực bán tháo mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu bất động sản không có gì lạ, song nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bất ngờ lao dốc trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư, hàng loạt mã giảm sâu, thậm chí nằm sàn la liệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp