Malaysia sắp cấm hút thuốc đối với những người sinh sau năm 2005

Thuốc lá MALAYSIA
13:29 - 21/02/2022
Nếu dự luật thông qua, những người Malaysia sinh sau năm 2005 sẽ không được phép hút thuốc lá. Ảnh: Harakahdaily
Nếu dự luật thông qua, những người Malaysia sinh sau năm 2005 sẽ không được phép hút thuốc lá. Ảnh: Harakahdaily
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, quốc gia này sẽ ban hành luật mới để cấm hút thuốc và sở hữu các sản phẩm thuốc lá bao gồm cả thuốc lá điện tử đối với những người trẻ sinh sau năm 2005 .

“Chúng tôi hy vọng dự luật sẽ được thông qua trong năm nay. Điều này sẽ chấm dứt thế hệ hút thuốc bằng cách biến hoạt động bán thuốc lá và các sản phẩm hút thuốc khác cho người sinh sau năm 2005 thành hành vi bất hợp pháp”, Bộ trưởng Khairy Jamaluddin phát biểu tại lễ công bố Ngày Ung thư của Malaysia hôm 17/2.

Ông chỉ ra rằng, dự luật này khi được ban hành sẽ giúp các thế hệ tương lai giảm thiểu nguy cơ từ thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá. Bởi sản phẩm này là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư và 22% số ca tử vong do ung thư.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin. Ảnh: MITC

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin. Ảnh: MITC

“Nếu bạn 17 tuổi và Quốc hội Malaysia thông qua dự luật, bạn sẽ không bao giờ được mua thuốc lá ở đất nước này nữa,” ông nói. “Một trong những nguyên nhân hàng đầu của cái chết là do hút thuốc lá. Tuy nhiên, đã rất lâu rồi chúng ta không nhìn nhận vấn đề này từ khía cạnh pháp lý”.

Bộ trưởng Khairy nhận xét, dự luật này nếu được thông qua sẽ có tác dụng ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như ung thư. Malaysia ghi nhận số ca ung thư trong giai đoạn 2012-2016 đã tăng 11%, lên 115.238 ca trong giai đoạn từ 2012 đến 2016, so với con số 103.507 ca được ghi nhận từ năm 2007-2011.

Trong đó, ước tính rằng 1/10 nam giới và 1/9 phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ba loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Malaysia là ung thư đại trực tràng (16,9%), ung thư phổi (14,8%) và ung thư tuyến tiền liệt (8,1%) và ở phụ nữ là ung thư vú (33,9%), ung thư đại trực tràng (10,7%) và ung thư cổ tử cung (6,2%).

Theo ông Khairy, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu được ghi nhận tại các bệnh viện tư nhân của Malaysia (34,95%) và thứ tư tại các bệnh viện công (11,56%). Riêng năm nay, ông cho biết chính phủ đã phân bổ 137 triệu RM (32,7 triệu USD) cho các dịch vụ xạ trị và ung thư, không bao gồm chi phí ở các dịch vụ khác.

Trong khu vực, Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) - một tổ chức đa ngành, có vai trò lớn trong việc hỗ trợ các nước thành viên ASEAN xây dựng và thực thi các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, dựa trên bằng chứng phù hợp với Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống tác hại thuốc lá (FCTC).

Trong những năm gần đây, tổ chức này đã có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền và kêu gọi nhận thức về tầm quan trọng của môi trường không khói thuốc, gìn giữ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng.

Ngoài Malaysia, nhiều quốc gia trên thế giới đã có thái độ cứng rắn trong việc bài trừ thuốc lá. Tại Singapore, chỉ những nơi có treo biển báo được phép hút thuốc lá thì người dân mới có thể thoải mái hút thuốc. Tuy vậy, nếu bị phát hiện vi phạm hút thuốc lá tại khu vực cấm, họ có thể bị phạt từ 200 - 1.000 SGD (148 - 744 USD), thậm chí bị kết án tại tòa.

Tại Philippines, luật cấm hút thuốc dựa trên các điều khoản của Luật Không khí sạch năm 1999 và Luật Quản lý thuốc lá năm 2003. Luật Không khí sạch cấm hút thuốc bên trong tòa nhà hoặc một khu vực công cộng khép kín, trên các phương tiện vận tải. Luật Quản lý thuốc lá cũng cấm hút thuốc tại những nơi công cộng như trường học, bến bãi giao thông công cộng, siêu thị, trạm xăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp