Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí thứ 18 trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine

Viện trợ MỸ
11:52 - 09/08/2022
Gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine là gói thứ 18 của Mỹ. Ảnh: Getty Images
Gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine là gói thứ 18 của Mỹ. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 8/8, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố thêm một gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 1 tỷ USD, đánh dấu lần hỗ trợ quân sự lớn nhất cho chính quyền Tổng thống Zelensky kể từ khi Nga khởi động chiến dịch hồi tháng 2.

Trong thông báo chính thức hôm đầu tuần, Lầu Năm Góc cho biết lô vũ khí mới nhất viện trợ cho Ukraine đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt dưới quyền rút vốn của mình. Cụ thể, gói hỗ trợ vũ khí thứ 18 bao gồm các loại vũ khí "người dân Ukraine đang sử dụng rất hiệu quả để bảo vệ đất nước của họ".

Cụ thể theo RT, chúng sẽ là các đầu đạn cho các bệ phóng của Hệ thống Tên lửa Cơ động Cao (HIMARS) mà Mỹ trước đây đã gửi đến Ukraine. Nước này cũng sẽ gửi thêm 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, thuốc nổ C-4, mìn sát thương Claymore và hàng chục nghìn quả đạn pháo và hệ thống phòng không.

Ngoài các vũ khí sát thương bên trên, Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch cung cấp 50 xe điều trị y tế bọc thép, cùng với nhiều vật tư và thiết bị y tế. Cơ quan này khẳng định “để có thể đáp ứng các yêu cầu chiến trường ngày một gia tăng của Ukraine, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để cung cấp cho Ukraine những hỗ trợ quan trọng nhằm tạo ra sự khác biệt”.

Do đó, nếu tính kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức hồi tháng 1/2021, ông đã phê duyệt khoảng 9,8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, trong đó bao gồm 9 tỷ USD kể từ khi xe tăng Nga vượt qua biên giới Ukraine. Mặt khác, Quốc hội nước này cũng đã thông qua khoản viện trợ mới với giá trị tổng thể 40 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 5 sau khi cung cấp 13,6 tỷ USD trước đó.

Kể từ khi được hỗ trợ hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất, các quan chức Ukraine đã khẳng định về tính hiệu quả của loại vũ khí này, đồng thời gọi nó là “vũ khí thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường. Tuy nhiên ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy 6 trong số 16 bệ phóng HIMARS mà Mỹ gửi tới Ukraine cùng nhiều kho dự trữ đạn dược khác.

Mặt khác, câu hỏi về điểm đến của số lượng vũ khí do Mỹ viện trợ cho Ukraine cũng nhiều lần được nêu lên trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Theo báo cáo điều tra của hãng CBS News được công bố hôm 4/8, chỉ có khoảng 30% số vũ khí mà Mỹ và các đồng minh gửi tới Ukraine đã thực sự đến được tiền tuyến.

Theo hãng thông tấn này trích dẫn ông Jonas Ohman, người sáng lập nhóm viện trợ Lithuania, vũ khí của quân đội sẽ phải điều hướng qua một mạng lưới phức tạp bao gồm "các lãnh chúa quyền lực, các nhà tài phiệt và những chính khách”. Tuy nhiên, do áp lực và chỉ trích từ chính phủ Ukraine cũng như những người ủng hộ họ, CBS hôm 7/8 đã quyết định hủy một bộ phim tài liệu mà họ đã lên kế hoạch phát sóng về vấn đề này, đồng thời sửa đổi bản báo cáo của mình.

Trước đó, hãng tin CNN của Mỹ cũng từng trích dẫn một quan chức giấu tên cho biết số vũ khí viện trợ cho Ukraine “giống như rơi vào một hố đen và không thể theo dấu chỉ sau một khoảng thời gian ngắn”.

Tin liên quan

Đọc tiếp