"Các thủy thủ thuộc Nhóm xử lý vật liệu nổ 2 ngày 5/2 đã thu hồi một khinh khí cầu do thám tầm cao ngoài khơi thành phố Myrtle Beach, Nam Carolina", Hải quân Mỹ thông báo trên Twitter ngày 7/2.
Khinh khí cầu mà Trung Quốc nói chỉ được dùng cho mục đích khoa học, còn Mỹ cho rằng đây là "thiết bị do thám". Ảnh: Twitter @USFleetForces |
Các hình ảnh được công bố cho thấy các thủy thủ đang vớt một vật thể màu trắng với nhiều dây dài lên thuyền.
Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), cho biết khinh khí cầu cao khoảng 200 feet (60,96 m), có trọng lượng 907 kg (bao gồm cả các thiết bị).
Xác khinh khí cầu được trục vớt trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Khinh khí cầu bị bắn hạ trên biển để giảm thiểu nguy cơ từ các mảnh vỡ rơi xuống. Ảnh: Twitter @USFleetForces |
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang tiếp tục tiến hành tìm kiếm tất cả các bộ phận khác của khinh khí cầu, có khả năng đã chìm xuống đáy biển ở độ sâu khoảng 45 feet (13,7 m) và phân tán trong khu vực khoảng 1.500 m2.
Ông VanHerck cho biết sẽ điều tàu USNS Pathfinder - một tàu khảo sát hải dương học để lập bản đồ đáy Đại Tây Dương nơi phần lớn các mảnh vỡ văng ra và chìm xuống biển. Máy bay của cảnh sát biển cũng tham gia tìm kiếm.
Lực lượng hải quân Mỹ tiếp tục tìm kiếm các mảnh vỡ trong phạm vi 1.500 m2. Ảnh: Twitter @USFleetForces |
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, mặc dù các lực lượng không đánh giá liệu có chất nổ trên khinh khí cầu hay không, nhưng các nhóm tại hiện trường vẫn tiến hành như khi vật thể có chứa chất nổ. Ngoài ra, ông cho rằng có thể gặp phải các vật thể có khả năng nguy hiểm khác, như mảnh kính hoặc pin của bảng điều khiển năng lượng mặt trời.
Trước đó, quân đội Mỹ hôm 28/1 phát hiện một khinh khí cầu bay qua không phận ở Alaska. Khinh khí cầu này bay sang không phận Canada vào ngày 30/1 rồi quay lại vùng trời của Mỹ. Giới chức Mỹ không tiết lộ công khai về sự hiện diện của khinh khí cầu cho đến ngày 2/2.
Khinh khí cầu Trung Quốc bị tiêm kích Mỹ bắn hạ ngày 4/2. Ảnh: Reuters |
Sau đó, Trung Quốc đã thừa nhận đây là khí cầu dân sự, phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng của nước này nhưng đã bay lạc vào lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng khinh khí cầu này có thể là thiết bị do thám nên quyết định dùng tiêm kích F-22 bắn hạ nó hôm 4/2 ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/2 bày tỏ sự phản đối trước việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này và cho rằng Washington "phản ứng thái quá" và "vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế".
"Phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo cho phía Mỹ sau khi xác minh rằng khinh khí cầu là dành cho mục đích dân sự và vào Mỹ vì lý do bất khả kháng. Đó hoàn toàn là một tai nạn”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Trong diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc ngày 7/2 nói Trung Quốc từ chối tiến hành cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết ngay sau khi bắn hạ khí cầu Trung Quốc hôm 4/2, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu tiến hành cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
"Thật không may, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục duy trì cam kết về các kênh liên lạc mở", ông Ryder nói.
Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận.
Vụ việc bắn hạ khinh khí cầu được cho là làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm đến thủ đô Bắc Kinh dự kiến bắt đầu vào ngày 3/2.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden khẳng định vụ việc không làm suy yếu quan hệ song phương. "Chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc về những việc chúng tôi sẽ làm. Họ hiểu lập trường của chúng tôi. Chúng tôi đã làm điều đúng đắn. Đây không phải vấn đề quan hệ sẽ yếu đi hay cải thiện. Đây là thực tế", ông Biden nói.