Năm 2021 có 2,2 triệu người di cư về địa phương do Covid-19

LAO ĐỘNG Việt nAM
23:30 - 29/12/2021
Cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư.
Cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 chỉ đạt 67,7%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước ước tính 3,22%. Dịch bệnh cũng khiến 2,2 triệu người phải rời các tỉnh, thành trở về quê.

Báo cáo thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12 cho biết, việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người lao động.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý IV vừa qua đạt 31.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205.100, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III. Như vậy chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét.

Tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

Theo kết quả tổng hợp nhanh báo cáo của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư.

Trong tổng số người di cư, nữ là 839.000 người, chiếm 37,5% tổng số; người từ 15 tuổi trở lên là gần 1,6 triệu người, chiếm 70,9%. Số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là 447.100 người; từ Thành phố Hồ Chí Minh là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.

Tại cuộc họp, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động cho biết, lực lượng lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ.

“Vấn đề thu hút ngược lao động về lại trung tâm công nghiệp, thành phố lớn khá nan giải bởi tâm lý lưỡng lự, e ngại của người dân, nhất là việc phục hồi kinh tế của doanh nghiệp vẫn còn chậm”, ông Nam nhận định.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 ước tính đạt 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2021 ước tính là 49,1 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý trước, bao gồm 14,3 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 29,2% tổng số. Khu vực công nghiệp và xây dựng 16,9 triệu người, chiếm 34,3%. Khu vực dịch vụ 17,9 triệu người, chiếm 36,5%.

Tính chung năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người, bao gồm 14,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 0,3% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,5%; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người, giảm 4,1%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2021 là 57,1%; quý II là 57,4%; quý III là 54,5% và quý IV ước tính 55,1%. Tính chung năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 56,2%. Tỷ lệ này tính riêng trong khu vực thành thị năm 2021 là 48,0% và trong khu vực nông thôn là 63,3% (năm 2020 tương ứng là 56,2%; 48,4%; 62,3%).

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2021 ước tính là 3,22%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,1%, trong đó tỉ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý IV/2021 là 6,1 triệu đồng/tháng, tăng 140.000 đồng so với quý trước nhưng giảm 510.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập của lao động nam là 6,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,6 triệu đồng/tháng. Tính chung năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,6 triệu đồng/tháng, giảm 45.000 đồng so với năm trước.

Hỗ trợ cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ COVID-19

Trong năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm người dân có đủ ăn, đủ mặc.

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, ước tính thu nhập bình quân một người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73.000 đồng so với năm 2020; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 15/12/2021 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 gần 31.400 tỷ đồng cho 28,8 triệu lượt người và 337.900 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.

Ước tính thu nhập bình quân một người/tháng năm 2021 đạt khoảng 4,2 triệu đồng.

Ước tính thu nhập bình quân một người/tháng năm 2021 đạt khoảng 4,2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 116 đã hỗ trợ 37.500 tỷ đồng cho gần 22,3 triệu lượt người và 363.600 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Tính đến ngày 23/12/2021 đã hỗ trợ gần 149.100 tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.

Theo báo cáo từ Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2121 đã hỗ trợ giảm giá điện, giá nước với tổng hỗ trợ lần lượt là gần 2.300 tỷ đồng và 310,2 tỷ đồng cho Nhân dân trên địa bàn cả nước.

Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện ngay cả trong điều kiện dịch bệnh, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo.

Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9.700 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4.400 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2.800 tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2,5 tỷ đồng. Có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Tin liên quan

Đọc tiếp