Ảnh minh họa: Thảo Ngân |
Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia, chỉ riêng trong tháng 12/2023, Việt Nam đã đón 1,37 triệu lượt khách quốc tế, tính chung cả năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt.
Trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong năm 2023 với gần 3,6 triệu lượt khách, chiếm 28% tổng lượng khách. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với 1,7 triệu lượt khách, tổng 2 thị trường này đã chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ở vị trí thứ ba là Đài Loan với 851.000 lượt khách, Mỹ xếp thứ tư với 717.000 lượt khách, Nhật Bản ở vị trí thứ năm với 590.000 lượt khách.
Tiếp theo là 3 thị trường Đông Nam Á với Thái Lan 489.000 lượt khách, xếp thứ 6, Malaysia 470.000 lượt khách, xếp thứ 7, Campuchia 402.000 lượt khách, xếp thứ 8. Xếp thứ 9 là Ấn Độ với 392.000 lượt khách, Australia xếp thứ 10 với 390.000 lượt khách. So với năm 2019, Nga và Anh không còn nằm trong 10 thị trường hàng đầu Việt Nam, thay vào đó là Campuchia và Ấn Độ.
Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam là Anh với 253.000 lượt khách, Pháp 215.000 lượt khách và Đức 200.000 lượt khách.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 70% so với năm 2019, trong đó khách từ châu Úc và châu Mỹ có mức phục hồi tốt nhất lần lượt là 99% và 93%, tốc độ phục hồi lượng khách của các nước khu vực châu Á đạt 68%, châu Âu đạt 67% và châu Phi là 63%.
Một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt như Mỹ (96%) Hàn Quốc (84%), Đài Loan (92%), Thái Lan (96%); Indonesia (99%). Đặc biệt, một số thị trường Đông Nam Á đạt mức cao hơn so với thời điểm trước dịch như Campuchia (176%), Lào (122%), Singapore (106%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có sự phục hồi ấn tượng (231%).
Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu như Tây Ban Nha phục hồi tốt nhất với 91%, Đức (88%), Anh (80%), Pháp (75%).
Dù vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 30% trong khi thời điểm trước dịch, thị trường này chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thị trường Nga mới đạt 19% so với năm 2019, Nhật Bản chỉ đạt mức 62%.
Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt khách, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,3 lần năm trước, khách đến bằng đường bộ đạt 1,5 triệu lượt khách, chiếm 12,1% và gấp 4 lần cùng kỳ, khách đi bằng đường biển đạt 126.100 lượt khách, chiếm 1% và gấp 40,2 lần năm 2022.
Về lượng khách nội địa, theo Cục Du lịch cả năm 2023 khách nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm.
Bên cạnh đó, lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài năm nay cũng tăng ấn tượng với 352.100 lượt người xuất cảnh trong tháng 12/2023, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm 2022.
Kết quả kinh doanh ngành du lịch cũng phản ánh sự phục hồi tích cực của ngành trong năm vừa qua khi doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673.500 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức doanh thu và tăng 14,7% so với năm 2022. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37.800 tỷ đồng và tăng 52,5% so với năm trước.
Về hoạt động kinh doanh của các công ty du lịch năm vừa qua, kết thúc năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022, với nhiều loại hình kinh doanh.
Về nhân lực, cả nước có 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thêm 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận, 90 cơ sở đào tạo được ủy quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú, cả nước hiện có khoảng 38.000 cơ sở với hơn 780.000 buồng.