Nâng cao kỹ năng người lao động có thể giúp GDP tăng đến 2%

LAO ĐỘNG Việt nAM
19:45 - 05/12/2021
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam. Ảnh: ADB
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam. Ảnh: ADB
0:00 / 0:00
0:00
Trong 10 - 15 năm tới sẽ có khoảng 40% lao động toàn cầu không có kỹ năng phù hợp với công việc và COVID-19 cũng như CMCN 4.0 càng khiến yêu cầu thay đổi thị trường lao động thêm cấp bách hơn.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, đề cập đến xu hướng trên tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021: phục hồi và phát triển bền vững, chiều 05/12. Theo ông, cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới thế giới và có khả năng kéo dài, làm gia tăng khoảng cách và phân hóa sâu sắc các nền kinh tế.

Dẫn lời kêu gọi ưu tiên nguồn lực nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19 của Báo cáo “Nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung” công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hồi đầu năm, TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh, việc đào tạo nâng cao kỹ năng người lao động là rất quan trong đối với phục hồi phát triển kinh tế bền vững.

Báo cáo cho thấy, việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 đến 2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhất là trong bối cảnh chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ.

COVID-19 đang định hình lại thế giới việc làm

Do tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những gián đoạn kép thay đổi thế giới việc làm và thị trường lao động. Theo ông Dũng, trong 10 - 15 năm tới khoảng một phần ba công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, khiến khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ.

Trong bối cảnh “bình thường mới” đó, thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp hưởng lương thấp và kỹ năng cao hưởng lương cao. Thực tế này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên thị trường lao động và người lao động sẽ không phải là ngoại lệ, sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành nghề và công việc do số hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa và toàn cầu hóa sản xuất của cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tương lai phát triển kỹ năng thời kỳ hậu COVID-19, cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại thế giới việc làm - thay đổi mô hình kinh doanh và đòi hỏi một bộ kỹ năng mới cho người lao động để phát triển mạnh trong môi trường ngày càng cạnh tranh.

Báo cáo của ADB cũng chỉ ra rằng, dù 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam khẳng định đã trang bị tốt một số ngành nghề cho cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng con số này vẫn thấp hơn so với Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%). Nghiên cứu ghi nhận cả những khác biệt về nhận thức giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động về sự sẵn sàng cho công việc của học viên tốt nghiệp.

Theo nghiên cứu mới này, ADB khuyến nghị Việt Nam cần phát triển các chương trình giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để tạo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi sang CMCN 4.0, tăng năng suất của người lao động và khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho rằng: "Dù việc ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển lên trên trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ, Việt Nam cũng cần cân nhắc những cách tiếp cận mới để bảo đảm lợi ích bao trùm và sự bảo trợ xã hội đối với công nhân tay nghề thấp, đặc biệt những người có nguy cơ bị thay thế và những người cần nâng cao tay nghề".

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp. Ảnh: TDC

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp. Ảnh: TDC

Đổi mới đào tạo theo mô hình “nhà trường thông minh"

Trong bối cảnh Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 đó, yêu cầu đặt ra với các chính sách, các gói kích thích kinh tế của Việt Nam cần vừa giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững để phát triển thị trường lao động bền vững trong dài hạn, tránh lỡ nhịp với đà tăng trưởng của thế giới.

Về dài hạn, để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó đặt mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động

Để đảm bảo yêu cầu trên, TS. Trương Anh Dũng đưa ra những giải pháp chú trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề.

"Các giải pháp đồng bộ cần thực hiện gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường lao động; Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính; Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế", ông Dũng chia sẻ thêm.

Trong các giải pháp trên nêu ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặc biệt nhấn mạnh hiện đại hóa cơ sở vật chất theo mô hình “nhà trường thông minh” và “nhà trường xanh”. Theo đó, một mặt cần thu hút tối đa và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp; mặt khác đầu tư công từ ngân sách nhà nước vẫn phải có vai trò chủ yếu, dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Dưới góc nhìn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về vấn đề này, bà Matsumoto Makio, đại diện ILO từ điểm cầu Thái Lan cho biết, COVID-19 càng làm nới rộng khoảng cách việc làm khu vực Châu Á Thái Bình Dương và sẽ khó thu hẹp. Sẽ mất nhiều thời gian để người lao động có thể nâng cao được năng lực. Do đó, các nhà tuyển dụng cũng sẽ mất nhiều thời gian để có thể tìm được ứng viên phù hợp. Đây chính là lý do khiến khả năng phục hồi khu vực Đông Nam Á bị chậm lại.

Ảnh tác giả

“Một số ngành nghề sẽ có cơ hội mới nhưng cũng sẽ có một số ngành nghề đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất. Việt Nam cần đầu tư chuyển đổi một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dại dịch. Cần có sự tích cực chủ động hơn nữa, cung cấp dịch vụ việc làm, cung cấp thông tin về những việc làm đang thiếu nhân sự, nâng cao kỹ năng cho người lao động”.

Bà Matsumoto Makio, đại diện ILO

Bà Matsumoto Makio cũng cho rằng, đang có sự bất bình đẳng trong cơ cấu các ngành nghề khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, theo đại diện ILO, những lao động khu vực không chính thức đang bị ảnh hưởng nhiều nhất và là đối tượng cần được quan tâm hơn cả, cũng như có những giải pháp đảm bảo họ không quay lại khu vực đó.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong 10 - 15 năm tới, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt ra yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề cao do hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam năm 2020 là 64,5% và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam chỉ 24,6% (chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore).

Lao động các ngành đang có nguy cơ biến mất: nông nghiệp, dệt may, da giày, lắp ráp, thủ công... trong khi lao động các ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay (khoảng 68% lực lượng lao động).

Tin liên quan

Đọc tiếp