Nghịch lý của Vinamilk: Doanh thu cao kỷ lục nhưng lợi nhuận đi lùi

DOANH NGHIỆP Việt nAM
13:17 - 19/03/2022
Thị phần của Vinamilk hiện khó có thể mở rộng thêm nhiều.
Thị phần của Vinamilk hiện khó có thể mở rộng thêm nhiều.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng lên mức 64.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với 2021. Nhưng có một diễn biến bất thường là mục tiêu lợi nhuận của công ty lại tiếp tục “đi lùi”.

Trong báo cáo thường niên năm 2021 nhằm báo cáo tình hình hoạt động công ty năm cũ và đưa ra định hướng phát triển cho doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) đã đưa ra kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2022-2026. Cụ thể đến năm 2026, doanh thu sẽ đạt 86.200 tỷ đồng, tương ứng là lợi nhuận trước thuế 16.000 tỷ đồng. Còn trong năm 2022, mục tiêu là 64.070 tỷ đồng doanh thu và 12.000 lợi nhuận trước thuế.

Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng, cụ thể đạt 61.012 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 98,2% kế hoạch năm. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại giảm 4,6% so với năm 2020, đạt 12.922 tỷ đồng. Như vậy với mục tiêu kinh doanh trên, lợi nhuận của VNM sẽ tiếp tục “đi lùi” dù cho doanh thu tăng kỷ lục.

Việc lợi nhuận giảm sút trong năm 2021 được ban lãnh đạo Vinamilk giải thích do tác động của dịch Covid-19. Giá nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi, cước phí vận chuyển… đều tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu tích trữ hàng hóa tăng mạnh tại một số quốc gia lớn. Cụ thể, một số nguyên liệu sản xuất sữa quan trọng như sữa bột gầy đã ghi nhận mức tăng giá 30-40% trong giai đoạn 2020-2021 (Global Dairy Trade).

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 30-40% trong năm 2021 và chưa có dấu hiệu giảm trong năm 2022. Giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng, trong đó nguồn thức ăn thô xanh phải cạnh tranh quyết liệt về giá và nguồn cung. Ngoài ra, cước phí vận chuyển trong nước tăng khoảng 20%, quốc tế tăng khoảng 500% đã góp phần đẩy chi phí sản xuất sữa tươi nguyên liệu tăng cao…

Với tác động chi phí như trên, biên lợi nhuận gộp của VNM năm 2021 đạt 42,5%, giảm mạnh so với mức 46,4% của năm 2020. Trong khi giai đoạn 2016-2019, con số này là 47,3%. Để có biên lợi nhuận đó, công ty còn phải tiết giảm rất nhiều chi phí. Đáng chú ý như việc quảng cáo. Giai đoạn 2016-2019, VNM chi khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm cho khoản này. Nhưng năm 2020 cắt mạnh xuống còn 1.440 tỷ đồng và năm 2021 chỉ còn 1.233 tỷ đồng.

Khó khăn do Covid-19 là thấy rõ. Tuy nhiên từ biểu đồ trên có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của Vinamilk đã chững lại từ cách đây nhiều năm. Từ 2016, doanh nghiệp đã chạm tới con số 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Từ đó đến nay đã 5 năm, việc lợi nhuận loanh quanh mức 12.000 tỷ đồng khiến công ty sữa bị nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng.

Sang năm 2022, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nguồn cung được cải thiện và tình hình giao thương quốc tế ổn định giúp giảm bớt chi phí vận chuyển. Nhưng Vinamilk vẫn chưa cho thấy sự đột phá ngay từ kế hoạch kinh doanh. Vậy thì việc nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư vào doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá VNM đã chạm đáy thấp nhất 2 năm qua. Kết phiên giao dịch 18/3, mã giao dịch ở mức 76.000 đồng/cp. Vốn hoá của Vinamilk trên sàn cũng giảm nhanh chóng, lần lượt rời khỏi các vị trí top đầu vốn hoá lớn. Hiện, VNM xếp chót bảng trong top 10 cổ phiếu vốn hoá lớn với 158.837 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị trí này cũng đang lung lay mạnh khi CTG (VietinBank) đã bám sát nút với 157.629 tỷ đồng.

Top 10 vốn hoá lớn nhất trên sàn HoSE tại thời điểm 18/3.

Top 10 vốn hoá lớn nhất trên sàn HoSE tại thời điểm 18/3.

Câu chuyện tăng trưởng của Vinamilk được cho là liên quan tới việc mở rộng ngành nghề kinh doanh. Vì với mảng sữa, VNM hiện đã chiếm gần 40% thị phần, rất khó để mở rộng thêm. Việc Vingroup lấn sân sang mảng ô tô, Thaco mở rộng kinh doanh nông nghiệp, Hoà Phát dồn lực phát triển bất động sản… đã cho thấy sức ép của các doanh nghiệp lớn trong việc mở rộng ngành nghề để tăng trưởng kết quả kinh doanh.

Trước xu thế đó, Vinamilk gần đây cũng đã cho thấy sự dịch chuyển. Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, công ty con của VNM) vừa công bố phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án bò thịt liên doanh với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản. Dự án có tổng vốn đầu tư tối đa là 2.985 tỷ đồng, được triển khai tại tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hải Phòng. Trong đó, Vilico góp 51% vốn, tương đương 1.522 tỷ đồng. Sojitz sẽ đầu tư 49% vốn còn lại trong liên doanh.

Vilico đặt mục tiêu khởi công xây dựng dự án tại Vĩnh Phúc vào tháng 6 tới, bắt đầu nuôi bò vỗ béo từ tháng 12 và phân phối sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2023. Còn tại Hải Phòng, liên doanh dự kiến mua lại 100% vốn công ty Animex. Qua đó, Vilico sẽ gián tiếp sở hữu dự án xây dựng khu trại chăn nuôi bò Úc tập trung của Animex. Vilico cũng vừa nhận sáp nhập GTNFoods, tăng vốn điều lệ từ 631 tỷ đồng lên 1.723 tỷ đồng.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, thị trường sữa tươi nội địa sẽ dần ổn định trong năm 2022, nhưng VNM sẽ không còn nhiều dư địa tăng trưởng trong vòng 2-3 năm tới. Thay vào đó, việc mở rộng kinh doanh mảng khác như thịt bò sẽ thúc đẩy VNM tăng trưởng từ hai con số từ 2023-2024 trở đi. Ước tính doanh thu từ thịt bò trong 2 năm đầu tiên dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Ly (thứ 2 từ phải sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ API: Mục tiêu có lãi trở lại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) được tổ chức ngày 10/5 tại Tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.