Nghịch lý thịt gà: Cung vượt cầu nhưng nhập khẩu liên tục tăng

DOANH NGHIỆP gia cầm
14:04 - 27/04/2023
Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới, ngày 27/4. Ảnh: Phương Thảo.
Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới, ngày 27/4. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm cho biết, các doanh nghiệp gia cầm trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn về áp lực thị trường, do sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục, chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước.

Doanh nghiệp gia cầm chới với trước nhiều áp lực

Tại Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới, ngày 27/4, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm chia sẻ, các mặt tối đang lấn át mặt sáng của ngành chăn nuôi gia cầm. Trong đó, giá bán sản phẩm chăn nuôi gia cầm đã có lúc thấp hơn cả giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ, không có lợi nhuận.

Một thực trạng được ông Sơn chỉ ra hiện nay là các doanh nghiệp nội đang lép vế trước các doanh nghiệp FDI.

"Trong khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua, thì các doanh nghiệp FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng. Điều đó khiến các doanh nghiệp nội đang bị doanh nghiệp FDI qua mặt, nhiều người nông dân quy mô nhỏ đang bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.

Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn từ thị trường tiêu thụ bấp bênh, do tổng cung đang vượt tổng cầu. Ông Sơn cho rằng, cần xem xét lại cơ cấu sản xuất và tiêu thụ để ngăn chặn tình trạng càng chăn nuôi càng thua lỗ.

Trong khi đó, nhập khẩu gia cầm tăng nhanh, chưa kể số gia cầm nhập tiểu ngạch qua đường biên giới. Trong 5 năm gần đây sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục, trên 15%/năm, chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, hàng năm, một khối lượng lớn gà đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, thậm chí nhập lậu qua biên giới, theo ước tính khoảng 200 - 250 ngàn tấn/năm.

Trước những khó khăn đang bủa vây ngành chăn nuôi gia cầm, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm kiến nghị, cần có những giải pháp ứng phó với tình hình hiện nay.

Trước hết, đại diện Hiệp hội chăn nuôi gia cầm bày tỏ hy vọng Chính phủ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm có thể đủ sức cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp FDI.

"Các chính sách, gói hỗ trợ dành cho ngành chăn nuôi gia cầm đã có nhưng chỉ mang tính nhân văn, còn tính thực thi chưa có. Trong khi, nhiều doanh nghiệp, hộ nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ dừng sản xuất vì không có vốn, bị xiết tín dụng không thể duy trì sản xuất".

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm kiến nghị, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh mở cửa thị trường xuất khẩu bằng việc hỗ trợ giảm thủ tục. Theo ông Sơn, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội có đơn hàng từ các thị trường Singapore, Nhật Bản, Malaysia… nhưng chưa thể xuất khẩu được vì vướng nhiều thủ tục, quy định chưa được tháo gỡ.

Một kiến nghị khác được ông Nguyễn Thanh Sơn đề cập tới là cần có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể, là việc kiểm soát tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, có các biện pháp đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh, giảm áp lực tiêu thụ thịt gia cầm trong nước.

Giá thịt gia cầm còn ở ngưỡng thấp

Cũng tại hội nghị, thông tin về tình hình ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nhìn chung, tổng đàn gia cầm nói chung, đàn gà và đàn thủy cầm nói riêng những năm vừa qua có xu hướng tăng.

Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Sản lượng trứng gia cầm tăng trưởng bình quân 8,8%/năm.

Trong quý 1/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%. Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 - 35.000 đồng/kg thịt hơi, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền.

Diễn biến giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp các tháng đầu năm 2023. Nguồn: Cục Chăn nuôi.

Diễn biến giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp các tháng đầu năm 2023. Nguồn: Cục Chăn nuôi.

Giá bình quân từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg. Giá gà thịt lông trắng giống đến tháng 4 dao động từ 9.000 - 13.000đồng/con. Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động từ 1.750 – 2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200 - 2.4000 đồng/quả.

Để đảm bảo ngành chăn nuôi gia cầm phát triển hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra các giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh triển khai rà soát quy mô đàn gia cầm, đánh giá chất lượng, năng suất đàn gia cầm tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp theo Chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường năng lực cho các cơ sở chăn nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho gia cầm bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu và bảo quản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 định hướng, đến năm 2030, duy trì tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500 đến 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên từ 100 đến 120 triệu con, trong đó khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp.

Sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả; thịt gia cầm chiếm 29 – 31% tổng sản lượng thịt xẻ các loại; tỷ trọng gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 50%; tỷ trọng thịt gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 40 đến 50%; xuất khẩu từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm.

Tin liên quan

Đọc tiếp